Chặng đường mới cho bảo tồn đa dạng sinh học: Bài cuối: Chiến lược mới với tầm nhìn dài hơn   

Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để đa dạng sinh học được bảo tồn, phục hồi, phát triển và dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người dân.

Chú thích ảnh
Đa dạng các loài chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn

Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, có hiệu lực đầu năm 2022 đã đề xuất một số nội dung liên quan đến bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học, nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, việc tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định hướng sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực thi và hoàn thành các văn bản pháp luật về quản lý đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sau khi được ban hành với các nội dung liên quan; xây dựng dự án sửa Luật Đa dạng sinh học.

Trước đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã tăng mức hình phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng và 15 năm tù đối với tội danh liên quan đến loài hoang dã cho thấy sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm và bảo vệ loài hoang dã của Chính phủ.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có một bộ luật riêng về đa dạng sinh học từ năm 2008 - Luật Đa dạng sinh học-văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất, là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Là một trong các quốc gia đi đầu trong khu vực khi ban hành Nghị định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Việt Nam được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao.

Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư-kinh doanh (Luật Đầu tư 2014), đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học dần được hoàn thiện và tăng cường hiệu quả trong quá trình thực thi.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar), Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển...

Trong đó, Việt Nam là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về đa dạng sinh học.

Là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học và có đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 nhằm ghi nhận những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Tập trung giảm thiểu các mối đe dọa            

Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Dương Thanh An cho biết, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định ban hành.

Chiến lược giai đoạn mới sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại ở giai đoạn trước, đồng thời tập trung giảm thiểu các mối đe dọa tới đa dạng sinh học tại các khu vực đa dạng sinh học cao, các vùng đất ngập nước quan trọng, các cảnh quan sinh thái quan trọng, thúc đẩy các phương thức sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu phát triển.

Chiến lược mới cũng khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định bảo vệ đa dạng sinh học đã bước sang một giai đoạn mới để thực hiện mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 2-3% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức từ 42%; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái…

Để thực hiện được các mục tiêu, Chiến lược đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới cần thực hiện gồm kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học; củng cố và mở rộng các khu vực, hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh tháí; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Cùng với đó là bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; phát triển đa dạng sinh học đô thị; bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các giải pháp được xác định như hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự tham của toàn xã hội trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục, bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng, thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh, giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Để ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, Công ước Đa dạng sinh học xây dựng khung chiến lược Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 nhằm định hướng và đóng góp hiệu quả vào bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái trên toàn cầu. Giai đoạn 2021-2030, Liên hợp quốc xác định là Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái dựa trên đề xuất của hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, chú trọng nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đa dạng sinh học, Việt Nam phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Chặng đường mới cho bảo tồn đa dạng sinh học: Bài 1: Chưa đủ để chặn đà suy giảm
Chặng đường mới cho bảo tồn đa dạng sinh học: Bài 1: Chưa đủ để chặn đà suy giảm

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được Đảng và Nhà nước coi trọng, là một trong những giải pháp để phát triển bền vững đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN