Hàng năm, tình trạng khai thác lạm sát cá non vào mùa mưa trên vùng ngọt hóa Cà Mau diễn ra phức tạp làm cho tỉnh này gần như không còn mùa cá đồng. Cà Mau đang triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu chặn dòng cá non…"bơi" về chợ để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi cá đồng.
Tỉnh chỉ đạo các huyện vùng ngọt hóa là U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối tượng đánh bắt kết hợp tuyên truyền, vận động họ cam kết không khai thác cá non đưa ra chợ bán. Tỉnh nghiêm cấm và giải tỏa, tháo dỡ lưới cước, lưới vó, lưới mành và nhiều hình thức khác đăng bắt cá ở những tuyến kênh rạch, nhất là trên lâm phần rừng tràm U Minh hạ; xử phạt việc vận chuyển và tịch thu cá non thả trở về môi trường sông, rạch tự nhiên. Đồng thời vận động các chủ hàng cá ở các điểm chợ cam kết không mua bán cá non và tăng cường kiểm tra, thu gom cá non thả về sông, rạch. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội không khai thác đánh bắt, sử dụng cá non làm thực phẩm, tích cực bảo vệ cá non, tránh nguy cơ cạn kiệt và góp phần khôi phục nguồn lợi cá đồng.
Được biết, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, cá đồng ở Cà Mau như: cá lóc, cá rô, cá sặt… vào mùa sinh sản. Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận người dân ở đây khai thác đánh bắt cá non một cách vô tội vạ để bán và làm thức ăn hàng ngày cho gia đình. Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: Chỉ tính riêng tại các điểm chợ ở thành phố Cà Mau trong tuần qua, mỗi ngày lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thu gom từ 10 - 15 kg cá non bày bán để thả về môi trường sông, rạch cho chúng tiếp tục sinh trưởng phát triển. Nhờ kiểm tra, xử lý kiên quyết kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ của các ngành hữu quan và địa phương, bước đầu ngăn chặn được tình trạng khai thác đánh bắt cá non đem bán.
Tuy nhiên, Cà Mau cần duy trì thường xuyên và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc khai thác lạm sát cá non. Vì đây là nguồn lợi kinh tế khá cao, không cần vốn liếng đầu tư vẫn thu lợi lớn, bình quân 1 kg cá non hiện có giá trên dưới 100.000 đồng. Trong khi đó, một bộ phận cư dân sinh sống ở vùng ngọt hóa, nhất là trên lâm phần rừng tràm U Minh hạ đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên sẽ có nhiều người tiếp tục khai thác cá non bằng mọi hình thức để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, địa phương cần tạo việc làm ổn định cho người dân để họ có thêm thu nhập, nhằm giảm áp lực xã hội đối với nguồn lợi cá đồng./.
Lê Huy Hải