Cây xanh dọc các tuyến đường được ví như lá phổi xanh, nhưng những cây này thường xuyên bị xâm phạm vì nhu cầu dân sinh. Để bảo vệ những “lá phổi xanh” ấy, rất cần ý thức của người dân.
Muôn hình vi phạm
Ghi nhận về tình trạng xâm phạm về bảo vệ cây xanh, anh Nguyễn Thành Nam, đại diện Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, những vụ vi phạm nghiêm trọng như bức tử cây xanh như những năm trước đã giảm nhiều do nhiều người đã nhận thức được giá trị bóng mát của cây trong những ngày hè nắng nóng vừa qua.
Việc đóng đinh treo biển quảng cáo trên cây xanh khá phổ biến. |
Tuy nhiên sự vi phạm về bảo vệ cây xanh diễn ra nhiều hình thức. Liên quan đến cây đổ, từ đầu năm đến nay, thanh tra sở Xây dựng Hà Nội và Công ty có lập biên bản 2 vụ điển hình. Vụ thứ nhất là cây si cao khoảng 17 m trước cửa nhà 164 Ngọc Hà đổ vào ngày 4/4. Chủ nhà là Phùng Xuân Trường xây nhà cao tầng khi đào móng đã cắt vào rễ cây đâm ngang. Việc này đã làm suy yếu khả năng trụ đứng của cây khiến cây nghiêng đổ. Vụ thứ 2 là xe ô tô tải đâm đổ cây vào ngày 22/3 tại số nhà 33 Đinh Tiên Hoàng.
Từ đầu năm 2011 trở lại đây, nhất là những ngày đầu tháng 5 nổi cộm lên việc chặt trộm cây sưa. Lợi dụng mưa gió, trong ngày 16/5 ghi nhận có 4 vụ chặt trộm cây sưa; trước đó ngày 14/5, cây sưa 3 gốc trước cổng trường ĐH Kiến trúc cũng bị chặt. “Việc cưa trộm cây sưa đã xảy ra từ các năm trước. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm nên lắng xuống, nay lại nở rộ do giá bán cao”, đại diện Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường cho biết.
Với kiểu chặt trộm này, khi phát hiện sự việc, cơ quan công an, phường sở tại, thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản. Trách nhiệm của Công ty công viên cây xanh chỉ phối hợp, cung cấp dữ liệu cây và dọn dẹp hiện trường và trồng cây thay thế. Truy tìm thủ phạm thuộc trách nhiệm công an và sớm tìm ra và xử phạt nghiêm sẽ mang lại hiệu quả răn đe phòng ngừa.
Gần đây xuất hiện hiện tượng thay thế bằng cây khác. Điển hình là vụ thay 2 cây long não trồng trên vỉa hè trước số nhà 35 phố Điện Biên Phủ được trồng trên 10 năm nay, có đường kính trên 20 cm và cao hơn 10 m bị đơn vị có trụ sở gần cây thuê người đánh đi nơi khác và trồng hai cây sung thế chỗ. Hai cây long não thuộc cây xanh đô thị đã được đơn vị đánh số thứ tự quản lý. Cây bị thay thế dù không phải cây xanh đô thị nhưng có thể vì nhiều người quan niệm trồng cây sung để sung sướng, phát lộc nhưng đây là hành động vi phạm bảo vệ cây xanh đô thị và thanh tra sở Xây dựng lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục trả nguyên hiện trạng ban đầu.
Anh Nguyễn Thành Nam cho biết, vi phạm phổ biến nhất đối với cây xanh là đóng đinh, treo biển quảng cáo đối với các hộ kinh doanh vỉe hè như giải khát, sửa xe…, bên cạnh đó là quấn đèn lên thân cây thu hút khách hàng.
Một số nơi trong khu phố cũ, để tận dụng diện tích kinh doanh vỉa hè, một số hộ dân còn đổ xi măng bịt kín quanh gốc cây. Hành động này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây, thậm chí khiến cây xanh bị “bức tử” chết dần chết mòn.
“Xét về quá trình sinh trưởng, việc đóng đinh, quấn dây thép ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh trưởng của cây và vi phạm về quy định bảo vệ cây xanh đô thị. Đây không chỉ là hành động gây mất mỹ quan thành phố mà còn tạo ra một tiền lệ không tốt trong việc bảo xệ cây xanh. Do đây là nhu cầu dân sinh nên biện pháp hiện vẫn đang được áp dụng là tuyên truyền giải thích”, anh Nam nhận định.
“Chuẩn hóa” cây xanh trên từng tuyến phố
“Khi tiến hành chặt hạ những cây xấu cảnh quan, cây không phải cây xanh đô thị, không ít trường hợp chúng tôi bị người dân phản đối bởi họ muốn giữ bóng mát trước của nhà. Những cây này chặt hạ, chúng tôi trồng ngay cây mới đúng chủng loại đã được quy định từng tuyến phố”, anh Nguyễn Thành Nam cho biết.
Hiện nay, tuyến phố đều có xác định trồng loại cây nhất định trên từng tuyến phố. Bình quân mỗi năm Hà Nội phải trồng mới khoảng 700-800 cây thay thế cho những cây bị mục chết, cây không phải cây xanh đô thị. Việc trồng từng loại cây nhất định trên từng tuyến phố vừa tạo cảnh quan môi trường đô thị, vừa tạo sự thống nhất quản lý. Việc quy hoạch lại cây xanh trên các tuyến phố được căn cứ vào số lượng cây hiện tại. Loài cây nào có số lượng nhiều nhất trên tuyến phố sẽ được lựa chọn là cây chủ đạo trên tuyến phố đó. Những loài cây bị thay thế chủ yếu là cây không phải cây đô thị như dâu da, bông gòn, dướng, trứng cá… Những cây này phát triển nhanh nhưng gây mất mỹ quan đô thị, rất dễ bật gốc khi gặp bão, nhiều cây xanh còn hấp dẫn ruồi nhặng mỗi mùa quả chín...
Nâng cao nhận thức người dân về cây xanh, trên một số tuyến phố như Điện Biên Phủ, vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, đơn vị quản lý thí nghiệm gắn biển tên cây xanh, mã số để dễ quản lý. Trước đó, đơn vị thực hiện quản lý bằng cách quét vôi, đánh mã số lên thân cây nhưng cùng với quá trình sinh trưởng, thời tiết mưa khiến những mã số này mờ đi. Nay việc quản lý bằng cách gắn biển bền hơn, dễ nhận biết hơn và được sự quan tâm của công chúng. Trong năm nay, việc gắn biển tên cây và mã số sẽ thực hiện tiếp trên 30 tuyến phố.
Bài và ảnh: Xuân Cường