Cây xanh Hà Nội - Bài 1: “Phòng hơn chống” trước mùa mưa bão

Theo thống kê, các tuyến đường thuộc 9 quận nội thành và huyện Từ Liêm (Hà Nội) có hơn 44.000 cây xanh thuộc 70 loài khác nhau, trong đó có nhiều cây to đường kính trên 40 cm, tập trung ở khu vực phố cũ. Cây xanh tạo nên vẻ đẹp của Hà Nội, do đó rất cần có sự quy hoạch, bảo vệ để tạo nên những tuyến đường cây xanh đặc trưng; cũng như giảm thiểu thiệt hại từ cây đổ do gió bão.

Công nhân Công ty cây xanh chặt tỉa cây trước mùa mưa bão.

 

Mùa mưa bão lại về, những hàng cây xanh của Hà Nội lại đối mặt với nhiều nguy cơ bị quật đổ. Với những thiệt hại và sự cản trở giao thông đã xảy ra do cây đổ trong đầu mùa mưa bão, việc phòng ngừa là việc làm cần thiết.

Nhiều thiệt hại lớn

Chỉ từ ngày 13 - 17/5, Hà Nội hứng chịu 2 đợt mưa nặng hạt và dài ngày khiến gần 20 cây gãy đổ. Trưa 13/5, cây phượng trên tuyến phố Lý Thường Kiệt có đường kính khoảng 60 cm đổ xuống đường, đè vào chiếc ô tô 4 chỗ đang lưu thông, khiến nóc xe bị bẹp rúm, toàn bộ kính trước và sau bị vỡ. 5 người ngồi trên xe may mắn thoát nạn.

Theo ghi nhận của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, trong quý I/2011 có 37 cây gãy đổ do mưa bão. Việc cây đổ sau mỗi trận mưa lớn đã gây ra ùn tắc giao thông, thậm chí vào buổi sáng cao điểm, giao thông bị rối loạn tại nhiều điểm xung quanh khu vực cây đổ. Điển hình như vụ cây bàng 15 năm tuổi trên đường Nguyễn Lương Bằng, trước cửa số nhà 224 bị đổ vào ngày 16/5. Toàn bộ thân cây ngả hẳn ra, nằm ngang đường, tạo thành một barie chắn toàn bộ dòng phương tiện đang lưu thông theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn.

Tương tự, dịp mưa bão đầu tháng 5 khiến nhiều cây đổ, bật gốc trên tuyến đường Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Lê Văn Hưu... ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Theo phản ánh của người dân, ở những tuyến phố cũ, nhà xây san sát nhau, phố lại hẹp nên cây lâu năm có tán rộng, cao nếu đổ về phía nhà đối diện rất nguy hiểm. Do đó, việc cắt tỉa cành cây cần được làm khẩn trương trước mùa mưa bão.

Chủ động chặt tỉa sớm

Lý giải cho hiện tượng cứ khi có mưa lớn dài ngày là có nhiều cây bật gốc hoặc đổ, anh Nguyễn Thành Nam, đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho hay, hiện tượng cây đổ sau những trận mưa lớn kéo dài năm nào cũng xảy ra. Nguyên nhân là sau đợt mưa lớn kéo dài, do ngâm nước lâu nền đất quanh gốc cây ẩm, nhão và khi có gió lớn là nhiều cây, nhất là cây lớn, tán rộng rất dễ bị đánh đổ.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam lại cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cây đổ liên tiếp trong vài năm trở lại đây là do Hà Nội thường đào xới vỉa hè để hạ ngầm cáp, lát lại vỉa hè; khi đó rễ cây thường bị chặt, gây mục ruỗng gốc, nhiều cây chỉ độc có 1 rễ chính, còn những rễ nhỏ chưa đủ lớn để giữ cây nên chỉ cần một trận mưa lớn là cây đã bị long gốc dẫn đến ngã đổ.

Phải khẳng định rằng, thiệt hại về cây xanh trong mưa lớn dài ngày, gió bão là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành chức năng có thể thực hiện phòng ngừa bằng cách chủ động cắt tỉa cành cây. “Trước mùa mưa bão, các đội kỹ thuật của công ty thường khảo sát các các cây lâu năm, cắt tỉa các cành cây có hiện tượng mục nát hoặc tán võng ra đường. Năm 2011, công ty lập kế hoạch chi trên 6 tỷ đồng cho việc cắt tỉa, chặt hạ cây bóng mát. Việc cắt tỉa phòng bão được tiến hành với 3.661 cây; trong đó ưu tiên cắt tỉa với những cây xà cừ có đường kính và chiều cao lớn. Cây được sửa, hạ thấp độ cao, cây nặng tán; nhất là với những cành khô vì đây là đối tượng gây nguy hiểm bất ngờ với tính mạng, tài sản người dân khi có gió bão.

Năm 2011, đơn vị cũng sẽ chặt 775 cây (trong đó cây đổ: 235 cây, cây chết: 294 cây, cây sâu mục, nghiêng: 105 cây; cây cong nghiêng, xấu cản trở giao thông, không thuộc chủng loại cây đô thị: 155 cây). Riêng với những cây cong, nghiêng, cây không thuộc chủng loại cây đô thị, trong 2 năm qua, công ty đã chặt hạ và thay thế hơn 700 cây. Việc thay thế này vẫn đang được tiến hành bởi cây nghiêng võng ra đường trong phố cổ, phố cũ khá phổ biến, do việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, cây xanh vươn tự nhiên theo ánh mặt trời nên võng ra đường. Khi có phản ánh của người dân với loại cây này, các đội kỹ thuật đều đến khảo sát kỹ về độ an, bởi không phải cây nào cong võng ra đường cũng bị chặt”, anh Nam cho biết.

Bên cạnh việc chủ động chặt tỉa cây phòng bão, đơn vị này cũng đề nghị các đơn vị thi công hạ cáp ngầm, cải tạo hè trên các tuyến phố không chặt rễ cây; có phương án bảo vệ gìn giữ cây xanh khi thi công.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Bài 2: Bảo vệ “lá phổi xanh đô thị” từ ý thức người dân


Cây xanh Hà Nội - Bài cuối: Bảo vệ “lá phổi xanh đô thị” từ ý thức người dân
Cây xanh Hà Nội - Bài cuối: Bảo vệ “lá phổi xanh đô thị” từ ý thức người dân

Cây xanh dọc các tuyến đường được ví như lá phổi xanh, nhưng những cây này thường xuyên bị xâm phạm vì nhu cầu dân sinh. Để bảo vệ những “lá phổi xanh” ấy, rất cần ý thức của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN