Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bối cảnh thị trường việc làm Hàn Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn của người lao động Việt Nam, Văn phòng EPS và Ban Quản lý lao động Việt Nam luôn coi hoạt động gặp mặt, tư vấn pháp luật và vận động lao động về nước đúng quy định là một trong những hoạt động có tính thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc; đảm bảo người lao động làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc theo đúng hợp đồng đã ký, tuân thủ pháp luật nước sở tại và về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng; nắm thông tin về điều kiện, môi trường làm việc, đời sống, sinh hoạt, nguyện vọng của người lao động, nhất là những lao động đã hết hạn hợp đồng, đang cư trú bất hợp pháp, đồng thời hướng dẫn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời các tình huống khẩn cấp khác.
Tại buổi gặp, lao động Việt Nam cũng được cán bộ của Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Uijeongbu, đại diện Ngân hàng Hana (Hàn Quốc) trực tiếp tư vấn, phổ biến kiến thức liên quan đến điều kiện làm việc, sinh sống ở Hàn Quốc, cập nhật kiến thức về tài chính ngân hàng cho lao động Việt Nam theo Chương trình EPS cũng như nghe giải thích những thắc mắc của lao động EPS khi làm việc tại Hàn Quốc.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ông Lee Sang-gu, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Uijeongbu cho biết trung tâm luôn sẵn sàng đón tiếp, tư vấn, hỗ trợ người lao động nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (như tiền lương, điều kiện ăn ở, làm việc, chấp hành pháp luật…), giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định nơi đất khách quê người. Theo ông Lee, các buổi gặp gỡ, tư vấn pháp luật rất có ích bởi sẽ giúp người lao động hiểu hơn về pháp luật sở tại, kịp thời nắm bắt những thay đổi có liên quan trực tiếp đến bản thân và công việc liên quan.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, việc thúc đẩy hợp tác và nhập cảnh lao động đã được các đơn vị hữu quan cả Việt Nam và Hàn Quốc tích cực triển khai. Theo công bố của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong năm 2023, Hàn Quốc có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn nhiều mới có thể duy trì hoạt động của các doanh nghiệp. Ủy ban Chính sách Nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc vừa qua cũng đã công bố cải tiến Chương trình EPS mà Việt Nam đang tham gia, trong đó sẽ tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú nhằm đẩy nhanh thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài.
Nắm bắt nhu cầu của Hàn Quốc, các ban ngành hữu quan Việt Nam từ giữa năm 2022 đã tích cực triển khai đào tạo, hỗ trợ để đẩy nhanh số lượng lao động được phép nhập cảnh Hàn Quốc. Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, Văn phòng Quản lý lao động EPS đã tích cực phối hợp với Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và các Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài tại các địa phương của Hàn Quốc triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ lao động bằng các hình thức phù hợp.
Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc cho biết trong năm 2023, Hàn Quốc thông báo chỉ tiêu cấp phép 110.000 lao động cho 16 nước, trong đó Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động E9 nhập cảnh Hàn Quốc. Tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có 3.600 lao động EPS (visa E9) nhập cảnh Hàn Quốc. Thời gian tới, Văn phòng EPS dự kiến triển khai khoảng 15 buổi tư vấn pháp luật với các hình thức đa dạng và phong phú như gặp mặt phổ biến pháp luật, tổ chức tư vấn tại các lễ hội văn hóa ở địa phương Hàn Quốc và tổ chức sự kiện văn hóa-thể thao quy mô lớn khác.