Trước đó, ngày 9/6/2017 Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 2 bệnh nhi Lý Thị Hoa, sinh năm 2007 và Lý Thị Mái, sinh 2008 bị hôn mê sâu, được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Thông Nông.
Các bệnh nhân có dấu hiệu bị ngộ độc như đau đầu, buồn nôn, khó thở, người mệt lả, gọi hỏi biết nhưng không trả lời được, nằm yên không cử động, thở máy hoàn toàn. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị phù não lan tỏa.
Các bác sỹ đã truyền dịch, thuốc kháng sinh, cho thở máy, nhưng không có kết quả. Đến ngày 10/6, gia đình tiếp tục đưa cháu Lý Văn Trường, sinh 2010 vào viện (Lý Văn Trường là em của 2 bệnh nhân nói trên). Cháu Trường có biểu hiện sốt nóng, khó chịu, mệt lả, ăn uống kém, tiếp xúc được. Sau khi được điều trị, Lý Văn Trường đã đỡ nhiều, sắp được ra viện, tuy nhiên 2 chị gái Lý Thị Mái và Lý Thị Hoa biến chứng nặng dần. Chiều 13/6, tiên lượng 2 cháu không qua khỏi, gia đình xin đưa cháu về nhà để lo hậu sự, 2 cháu đã tử vong trên đường về nhà.
Theo người nhà bệnh nhân, cả 3 cháu nhỏ là chị em trong một gia đình tại xóm Lũng Khính, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Ngày 8/6, khi bố mẹ đi làm nương, 3 cháu nói trên cùng với cháu Lý Văn Vừ, nhà hàng xóm cùng trèo, hái quả vải để ăn. Cây vải này là loại vải địa phương, thân cây rất cao lớn, ăn rất chua. Sau khi ăn, các cháu có biểu hiện bất thường và được đưa đến bệnh viện. Sau đó, cháu Lý Văn Vừ đã tử vong.
Theo bác sỹ Đàm Trung Cao, Phó Giám đốc Sở y tế Cao Bằng, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tập trung các loại thuốc và phương tiện tốt nhất để điều trị cho các cháu.
Về nguyên nhân gây nên vụ việc, chưa thể kết luận được là do ăn quả vải, hiện Sở đã chỉ đạo lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người địa phương, không nên ăn quá nhiều quả vải trong mùa nóng.