Hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên (nhiều em còn trong độ tuổi vị thành niên) trên cả nước nói chung và địa bàn Phú Yên nói riêng đang có dính dáng đến việc sử dụng các chất kích thích độc hại, trong đó có các chất thuộc dạng ma túy, nằm trong danh mục cấm của pháp luật: thuốc lắc, cần sa, ma túy đá; thậm chí cả… hêrôin! Phổ biến nhất là cần sa, loại ma túy có nguồn gốc, hình thức và cách sử dụng gần giống với thuốc lá thường. Hút cần sa (tiếng lóng dân chơi gọi là “bồ đà” hoặc “cỏ”) đang trở thành thứ “mốt ngầm” trong một bộ phận bạn trẻ mới lớn muốn chứng tỏ mình “sành điệu”.
Lực lượng Biên phòng Sóc Trăng lập biên bản và thu giữ cây cần sa trồng trái phép tại nhà ông Huỳnh Chiểu. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN |
Em NVĐ, 18 tuổi, ngụ khu phố 3, Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên, nhiều lần được nhóm bạn hư rủ rê chơi hút “bồ đà”. Hút đến lúc nghiện mà gia đình vẫn không hay. Biết nhà Đ. có tiền, trong một cuộc chơi, nửa chừng, bạn khích Đ. về moi được tiền nhà đem ra chơi tiếp mới giỏi. Để chứng minh “bản lĩnh”, Đ. xăng xái về nhà hỏi tiền mẹ. Không được cho tiền còn bị mẹ mắng té tát, trong cơn “khùng” do say thuốc, Đ. đã bóp cổ mẹ ruột mình! Bị bắt, dẫn ra đồn công an tra hỏi, sự việc mới vỡ lở. Do lần đầu phạm tội, nên Đ. được giáo dục cảnh cáo, sau đó cho gia đình bảo lãnh về nhà. Quen thói không chừa, Đ. vẫn lén nhà đi hút tiếp. Cơn nghiện cần sa còn khiến Đ. nhiều lần phạm tội trộm cắp để có tiền mua thuốc. “Hết cách”, gia đình đành phải xích chân Đ. vào cột nhà, mong cách ly được Đ. với cần sa cùng đám bạn hư.
Theo tài liệu khoa học, cây cần sa thuộc họ dầu gai, có tên khoa học là cannabis sativa. Chất hóa học có tác dụng mạnh trong cây được gọi là THC (delta 9 tetrahydrocannobinol), phân bổ trên tất cả mọi bộ phận của cây, tập trung đậm đặc nhất ở hoa và quả. THC xâm nhập vào máu qua thành phổi khi hút, gây ảnh hưởng đến tính khí và nhận thức của người sử dụng. Hình thức sử dụng (quấn, hút) giống thuốc lá; nhưng cần sa lại tác động tới cơ thể theo cung cách của một loại ma túy thực thụ: ức chế giảm trì thần kinh và gây ảo giác chứ không phải chỉ kích thích, gây hưng phấn đơn thuần như thuốc lá.
Tuy nhiên, chính cái kiểu sử dụng na ná thuốc lá này đã khiến không ít bạn trẻ “yên tâm”, cho rằng cần sa cũng chỉ là một loại “thuốc lá cao cấp” mà thôi, không đáng ngại (!). Một nguyên nhân nữa khiến giới trẻ “dạn” dùng cần sa là những thông tin trái chiều về lợi ích của cây cần sa nhan nhản trên mạng internet (mà nhiều thông tin “nửa vời” thiếu trách nhiệm - hoặc chưa được xác minh về tính đúng đắn vẫn cứ tung lên). Nguyên nhân thứ 3: do cần sa không gây nghiện nhanh (đúng hơn, chỉ gây “nghiện tâm lí” thay vì “nghiện sinh lí”); và những biểu hiện khi “phê” thuốc hoặc “đói” thuốc cũng không mang dấu hiệu cực đoan như khi dùng các loại ma túy nặng; nên người “thử” cần sa sẽ thấy khá yên tâm về những phản ứng phụ (không đáng kể) trong giai đoạn đầu. Một nguyên nhân cuối (có lẽ cũng không kém phần quan trọng) khiến cần sa được phổ biến nhanh: giá cả! Giá cần sa rẻ hơn nhiều nếu đem so với hêrôin hoặc các chất ma túy tổng hợp.
Vậy nên nó khá “vừa túi tiền” với phần lớn giới trẻ thuộc các gia đình trung lưu. Đáng ngại hơn, thái độ của các em đối với cần sa đa phần là “điếc không sợ súng”. Được hỏi suy nghĩ thế nào về tệ nạn này, một học sinh lớp 12 trường PTTH Lê Trung Kiên (Đông Hòa, Phú Yên) trả lời tỉnh bơ: Thực ra, người lớn cứ “nâng quan điểm” để “hù” thôi, chứ tụi em hút hoài, có thấy hậu quả gì ghê gớm đâu… Em TVH, sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa quan điểm còn “chắc nịch” hơn: nước Mĩ đã có đến 2 tiểu bang (Colorado và Washington - tác giả) hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa rồi. Em tin đó chính là “xu thế thời đại” trong tương lai thôi…
Bên cạnh những tác hại trực tiếp về tâm - sinh lí khi sử dụng lâu dài (bệnh tật, gây tai nạn giao thông, biến thái về nhân cách…), thì hút cần sa còn là một thú chơi khá tốn kém. Một lạng (hoa) cần sa khô trên thị trường “đen” hiện có giá đến hơn 1 triệu đồng; số thuốc này chỉ đủ đáp ứng cho từ 3 đến 4 dân chơi “cao đô”; tính ra, chi phí cho 1 lần hút cần sa phải mất đến vài ba trăm nghìn; con số không hề nhỏ đối với các bạn trẻ đa phần còn phải sống nhờ cơm cha áo mẹ!
Ẩn họa nguy hiểm nhất của cần sa chính ở chỗ nó đóng vai trò như một chất “tiền ma túy”; là chiếc cầu nối dẫn đường cho giới trẻ đến với thói quen dùng ma túy. Chính cái cảm giác “phê” hệt như khi sử dụng ma túy đã gây “nghiện tâm lí” cho người sử dụng; và khi “đô nghiện” đã tăng đến ngưỡng cần sa không còn đủ sức đáp ứng, người dùng cần sa sẽ có khuynh hướng tìm đến các loại ma túy mạnh hơn. Đương nhiên, việc người chơi trở thành “con nghiện chính thức” chỉ còn là vấn đề thời gian. Vậy nhưng, mối nguy lại khó nhận ra bởi cần sa không phải thủ phạm chính thức mà chỉ âm thầm làm một “kẻ xúi giục”.
Muốn ngăn chặn hiểm họa, trước tiên, cần nhận thức rõ được thực trạng, nguyên nhân của tệ nạn; sau đó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm đúng hướng của cả cộng đồng và các cơ quan chức năng. Phải tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, giáo dục giới trẻ về hiểm họa lâu dài, tiềm ẩn của cần sa, định hướng đúng cho các em về việc tiếp nhận và xử lí những thông tin về cần sa trên internet, tránh tình trạng hiểu lệch, hiểu sai dẫn đến sử dụng bừa bãi loại “tiền ma túy” này.