Cần xóa rào cản với phụ nữ trong việc tiếp cận đất đai

Theo một nghiên cứu mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về “Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại”, mặc dù hệ thống pháp luật chính thống rất chú trọng bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản, nhưng trên thực tế phụ nữ vẫn đang bị loại khỏi việc được hưởng lợi từ các quyền này. Vẫn đang có sự khác biệt tương đối lớn trong việc tiếp cận quyền về đất đai giữa phụ nữ và nam giới.


Chị Trần Tuyết Nhung, Trưởng nhóm nghiên cứu “Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại” chỉ ra rằng phụ nữ các dân tộc thiểu số không tự tin trong giao tiếp và cũng không giao tiếp nhiều như nam giới nên các công việc liên quan đến giấy tờ đất đai được xem như không phải là việc của họ mà là việc của đàn ông. Với phụ nữ người Kinh, thậm chí có chị em ở thành phố vẫn cho rằng họ kém về việc ăn nói, không biết nói chuyện thế nào ở chốn “công đường”, nên họ cũng thường dành công việc liên quan đến giấy tờ đất đai cho đàn ông.


Giải thích về việc này, nhiều phụ nữ cho rằng: Trong xã hội, nam giới vẫn còn định kiến với phụ nữ và chính phụ nữ cũng mặc cảm, thiếu tự tin với vị thế của mình. Họ thường xác định vị thế của người phụ nữ đương nhiên thấp hơn đàn ông, với lý do “phụ nữ không biết gì” hoặc “ngại”, “xấu hổ” để tự loại trừ phụ nữ ra khỏi quyền tiếp cận với đất đai. Có sự chênh lệch về quyền lực trong mối quan hệ giữa những người làm đại diện pháp luật và người dân có thắc mắc liên quan đến đất đai khiến phụ nữ rất khó tiếp cận với các quyền lợi của họ. Sức mạnh của đồng tiền và những mối quan hệ cá nhân đã đào sâu thêm sự chênh lệch trong mối quan hệ quyền lực giữa những người thực thi các dịch vụ pháp luật, thực thi pháp luật và dân chúng.


Được sở hữu đất đai, phụ nữ sẽ có cơ hội tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Theo một cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì có 6 rào cản chính hạn chế sự tiếp cận đất đai của phụ nữ liên quan đến các yếu tố pháp luật, thực hành dòng họ, tiếp cận dịch vụ pháp lý, di chúc, tổ hòa giải và kiến tạo giới. Đối với rào cản liên quan đến pháp luật, tuy luật pháp của nước ta đã nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai của phụ nữ, song do luật được viết ra theo hướng quá chung chung nên đã tạo ra khoảng trống, khiến những người thực thi pháp luật có thể dựa vào nhận thức luận của họ để đưa ra các quyết định bất lợi cho phụ nữ trong việc tiếp cận với quyền về đất đai.


Thực hành dòng họ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nổi lên như một rào cản nổi trội nhất trong việc loại trừ phụ nữ tiếp cận với tài sản gia đình do quan niệm nhấn mạnh đến vai trò của con trai trong việc nối dõi và thờ cúng tổ tiên. Khi phải tiếp cận dịch vụ pháp lý để đòi quyền lợi cho mình, phụ nữ phải đối mặt với hàng loạt trở ngại, từ những khó khăn về ngôn ngữ đến quan hệ quyền lực hay những thủ tục và chi phí hành chính. Mặc dù di chúc là một hình thức pháp lý nhưng nó vẫn chưa bảo đảm được việc tiếp cận đất đai bình đẳng cho phụ nữ vì các gia đình, dòng họ khi thực hiện hoạt động lập di chúc vẫn thực hiện cách phân chia thông thường, khi mà phần đất đai tài sản hầu hết (hoặc phần nhiều) dành cho con trai, con gái thường chỉ được nhận phần ít hơn hoặc không có, điều này thể hiện rõ rệt ở những nơi mà đất đai gắn với nhiều thế hệ trong gia đình và dòng họ.


Tổ hòa giải mặc dù đã được nhà nước lập ra để giải quyết các vấn đề xung đột ở cộng đồng, nhưng do triết lý chi phối hoạt động nên thể chế này nhấn mạnh đến mục tiêu đảm bảo sự ổn định cộng đồng, vì thế hoạt động này không những không giúp được nhiều cho phụ nữ trong việc tiếp cận sở hữu đất đai bình đẳng mà còn củng cố duy trì những bất bình đẳng vốn đã tồn tại lâu dài trong phong tục tập quán. Những khuôn mẫu văn hóa về giới trong các cộng đồng phụ hệ đóng khung phụ nữ vào các chuẩn mực đạo lý và trách nhiệm khiến cho họ thường tự và bị tách ra khỏi các quyền lợi về đất đai và tài sản trong gia đình.


Để nam nữ bình quyền, phụ nữ cũng có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sở hữu đất đai như nam giới, nhiều phụ nữ khuyến nghị: Tăng cường công tác truyền thông một cách có hiệu quả thông qua việc đổi mới cách thức và nội dung tuyên truyền. Bớt “tình”, tăng “lý” của tổ hòa giải; giảm trừu tượng, tăng cụ thể trong các điều khoản luật. Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp lý cấp cơ sở; khuyến khích, trợ giúp làm sổ đỏ theo quy định mới. Khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp người dân văn bản hóa thừa kế tài sản. Phát triển hệ thống an sinh xã hội để giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới an sinh truyền thống chủ yếu dựa trên nền tảng gia đình và dòng họ. Tăng cơ hội học vấn cho trẻ em gái ở những hộ nghèo, vùng nghèo và vùng dân tộc thiểu số…



Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN