Cần xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về báo cáo hành chính

Gánh nặng báo cáo đang ngốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và nhân lực của các cơ quan hành chính nhà nước. Con số tổng hợp của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho thấy trong năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải thực hiện hơn 2 triệu báo cáo.

Mỗi năm, thời gian dành cho báo cáo chiếm từ 25% đến trên 26% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện: 198 báo cáo. Đối với địa phương, bình quân tổng lượng báo cáo phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với tần suất khác nhau. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo; cấp huyện 534 báo cáo; cấp xã 138 báo cáo. 

Thời gian các cơ quan phải thực hiện chế độ báo cáo rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm nghìn giờ làm việc. Ước tính thời gian trung bình để thực hiện chế độ báo cáo trong tổng số thời gian làm việc của cấp bộ, ngành là 25,04%, cấp địa phương (chia trung bình các cấp tỉnh, huyện, xã trong cả nước) là 26,12%. 

Theo bà Đặng Thị Mỹ Bình, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh An Giang: Hiện nay chế độ báo cáo hành chính được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ngoại trừ chế độ báo cáo thống kê (theo Luật Thống kê) còn lại, các chế độ báo cáo khác đang phụ thuộc phần lớn vào cơ chế quản lý hành chính và quy chế làm việc của cơ quan hành chính nhà nước cũng như yêu cầu quản lý của mỗi ngành, lĩnh vực. Đảm bảo kỳ hạn, tần suất, quy trình, nội dung… cho từng loại báo cáo đang là vấn đề còn vướng mắc, gây nhiều khó khăn cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở khi thực hiện. 

Mặt khác, khó có thể thống kê được chính xác số lượng báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trong từng năm, bởi mỗi cấp, mỗi cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện rất nhiều báo cáo, từ báo cáo tuần, quý, tháng, năm, đến rất nhiều báo cáo đột xuất khác.... Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất và tương thích về số liệu trong các báo cáo hành chính đã xảy ra thời gian qua. 

Bà Đặng Thị Mỹ Bình cho biết, đơn giản hóa chế độ báo cáo sẽ đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo không thật sự cần thiết. Để làm được điều này, theo cơ quan chức năng tỉnh An Giang, thời gian tới, cần có khung pháp lý rõ ràng, thống nhất về chế độ báo cáo; cần giao Tổng cục Thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về báo cáo hành chính như phần mềm khai báo Thuế đang áp dụng. 

“Việc thiết lập phần mềm ứng dụng để thực hiện báo cáo điện tử là phù hợp với mục tiêu xây dựng một Chính phủ điện tử, bảo đảm thống nhất, thông suốt giữa các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, có thể tiến hành số hóa, rà soát và đơn giản hóa chế độ báo cáo của mỗi ngành, lĩnh vực trên cơ sở thống nhất về nội dung báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo, đầu mối xây dựng, tổng hợp báo cáo, chất lượng báo cáo...”, bà Bình đề xuất.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, một giải pháp mang tính đột phá nhất, quyết định cho sự thành công của việc đơn giản hóa chế độ báo cáo đó là hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo. 

 “Thực hiện nội dung này sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, ông Phan nhấn mạnh.
PV
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhiều địa phương, bộ ngành đã thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, đem lại hiệu quả cao trong cải cách thủ tục hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN