Sau Tết Nguyên Đán, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tổ chức “Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 13 tỉnh, thành phố".
Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại bảng thông báo.
Các đơn vị tham gia phiên giao dịch trực tuyến gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định. Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm tổ chức đồng bộ trên hệ thống sàn trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 điểm sàn giao dịch việc làm vệ tinh.
Theo tổng hợp từ các trung tâm, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là tại Bắc Giang với 36.342 vị trí; tiếp đó là Phú Thọ với 6.511 vị trí, Thái Nguyên là 6.172 vị trí, Ninh Bình là 5.086, Hà Nội là 2.634 vị trí…
Phân tích theo trình độ, nhu cầu tuyển dụng hệ cao đẳng, đại học là 23.484 vị trí; trình độ trung cấp là 25.867 vị trí và lao động phổ thông là 22.215 vị trí. Lĩnh vực tuyển dụng nhiều nhất là điện, điện tử, điện công nghiệp, dệt may, da giầy, cơ khí...
Phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng về vị trí việc làm.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại Hà Nội, các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Tại đầu cầu Hà Nội có sự tham gia của 42 doanh nghiệp, trong đó có 32 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất 76,2%, tiếp đó là các lĩnh vực sản xuất, xây dựng... Tại điểm sàn giao dịch việc làm Hà Nội, các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu/tháng trở lên chiếm tỷ lệ 17,6% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Đáng chú ý, cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 - 25 tuổi, chiếm 39,7%.
Chị Tăng Thu Hà (giữa) đang trao đổi qua trực tuyến với các điểm sàn.
Đến phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Hà Nội, bà Tăng Thu Hà, 48 tuổi cho biết, trước đây, tôi làm quản lý cho doanh nghiệp Nhật Bản với mức thu nhập trên 20 triệu đồng. Sau Tết, sau thời gian nghỉ ngơi, tôi cũng muốn đến sàn diao dịch việc làm tìm kiếm cơ hội mới với mức thu nhập tốt hơn.
Còn bạn Vũ Thị Liên, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính đến Sàn giao dịch việc làm tìm kiếm cơ hội việc làm bán thời gian để chuẩn bị tốt nghiệp. “Trước mắt, tôi muốn học hỏi kinh nghiệm, tập làm việc theo nhóm và muốn hoàn thiện thêm các kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp”, bạn Vũ Thị Liên cho biết.
Từ góc nhìn dân sự, bà Lương Thu Hiền, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Ninsing Logistics chia sẻ: “Đơn vị tuyển tại 4 vị trí với trên 200 vị trí, trong đó các vị trí giao hàng trên 100 lao động phổ thông với mức thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu lao động gắn bó lâu dài sẽ có các khoản hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Các vị trí kho, điều phối hàng hoá đòi hỏi trình độ từ trung cấp trở lên”.
Theo chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa các tỉnh thành tiếp tục được đẩy mạnh để tạo kết nối cho người lao động tìm việc làm phù hợp.