Ít có tình trạng nhảy việc
Người lao động trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ghi nhận từ các phiên giao dịch việc làm đầu năm cho thấy, thị trường lao động tại Hà Nội ổn định. Nguyên nhân do dịp Tết vừa qua, chính quyền, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chăm lo tốt đời sống người lao động, thưởng tết tăng, tạo động lực công nhân trở lại sau Tết làm việc. Số người đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp giảm. Trong tháng 1/2025, Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 19.364 người lao động, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo thời gian tới, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao là công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, du lịch…
Còn bà Lương Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết cần khoảng từ 50.400 - 55.500 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực: Thương mại - dịch vụ chiếm 67,57%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 31,92%; khu vực nông lâm thủy sản chiếm 0,51%...
Về nhu cầu tuyển dụng tập trung cao ở các ngành/nghề: May mặc, da giày; kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên tập và phiên dịch; Cơ khí - tự động hóa; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kế toán - kiểm toán; marketing... và tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 27-35 tuổi chiếm 48,77%, dưới 26 tuổi chiếm 28,77%.
“Sau Tết là dịp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để bổ sung vào lực lượng lao động đã nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn hoặc tăng quy mô lao động để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. So với năm 2024, nhu cầu lao động sau Tết năm 2025 tăng khoảng 7%”, bà Lượng Thị Tới thông tin.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, trong tháng 1, số người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.463, giảm 4.351 hồ sơ (tương ứng giảm 44%) so với cùng kỳ năm 2024. Mức giảm này khá cao, nhưng cho thấy thị trường lao động ổn định, không có tình trạng nhảy việc.
Tại các tỉnh, dịp đầu xuân cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm giới thiệu vị trí việc làm cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngày 8/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An phối hợp Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tổ chức "Ngày hội việc làm" tại Khu công nghiệp Vsip (Hưng Nguyên). Phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của 24 doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng lao động với hơn 42.000 vị trí việc làm, trong đó 36.000 lao động phổ thông và trên 4.000 lao động đã qua đào tạo. Các doanh nghiệp tuyển dụng đông lao động tập trung vào các ngành nghề như điện, điện tử, quang học, chế tạo máy, may mặc…
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, ngày hội việc làm mở ra nhiều cơ hội cho người lao động đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong nhiều lĩnh vực sản xuất ngay tại Nghệ An. Đây cũng là dịp để người lao động làm ăn xa về quê nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ có dịp được nắm bắt, tìm hiểu trực tiếp môi trường làm việc tại địa phương, từ đó có thêm sự lựa chọn vị trí, việc làm phù hợp, giúp người lao động "ly nông, bất ly hương"...
Theo Sở LĐTBXH Nghệ An, năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức 3 ngày hội việc làm tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm: Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Nam Cấm và Khu công nghiệp Hoàng Mai 1. Nghệ An hiện có khoảng 700.000 lao động làm việc ngoài tỉnh Nghệ An và khoảng 80.000 lao động làm việc ở nước ngoài.
Tại tỉnh Đồng Nai, đầu năm 2025 mặc dù đơn hàng nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển đủ lao động. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, mỗi lần sàn giao dịch việc làm được tổ chức đều có hàng chục doanh nghiệp đăng ký tham gia với nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động phổ thông nhưng ít lao động phổ thông ứng tuyển...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, tháng 2/2025, có 38 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng với số lượng 3.552 lao động với phần lớn là lao động phổ thông, lao động lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, chế tạo, xây dựng, dệt may, vận tải... Còn tại các khu công nghiệp, hơn 60 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.500 lao động.
Trong khi đó, tham khảo tại các trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, CareerViet, TopDev, TopCV… thông tin tuyển dụng của hàng loạt doanh nghiệp được đăng tải với hàng ngàn việc làm đang cần ứng viên nộp hồ sơ. Riêng VietnamWorks có 1.293 vị trí việc làm trong lĩnh vực kinh doanh, 811 việc về kế toán kiểm toán lương với mức lương từ 10-30 triệu đồng; hơn 850 công việc ngành tài chính ngân hàng với mức lương trung bình từ 10-20 triệu đồng cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc có 1 năm kinh nghiệm; 628 việc làm lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.
Còn trang CareerViet đang cung cấp tới hơn 22.000 cơ hội việc làm. TopCV cung cấp khoảng hơn 34.000 việc làm với hơn 9.000 vị trí nhân viên kinh doanh… Do nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trả mức lương từ 15-38 triệu đồng/tháng cho các ứng viên có kinh nghiệm từ 1-3 năm, thậm chí không cần kinh nghiệm.
Có chính sách đãi ngộ giữ chân lao động
Ông Vũ Quang Thành cho biết: “Để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp có nhân lực sau Tết, người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm. Ngày 17/2 tới, 13 trung tâm dịch vụ việc làm phía Bắc sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến với hàng chục ngàn vị trí tuyển dụng”.
Còn theo bà Lương Thị Tới, Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh tiếp tục nắm bắt tình hình tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức sàn giao dịch việc làm, thực hiện kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhận định sau Tết, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục tăng cường tuyển dụng nhân sự mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cũng đã cử nhân viên túc trực tại các bến xe, nhà ga để tiếp cận lực lượng lao động mới từ các tỉnh đến thành phố tìm việc, giới thiệu họ đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐTBXH, tình hình lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn lao động đăng ký làm việc xuyên Tết.
Bộ LĐTBXH dự báo sau Tết, thị trường lao động sẽ gặp biến động do một số lực lượng lao động có thể không quay lại làm việc (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm...
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định, vấn đề việc làm, thu nhập và phúc lợi xã hội của người lao động được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, tạo sự gắn bó, thiết lập mối quan hệ bền vững lâu dài. Trong năm qua, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để tạo việc làm và thu nhập ổn định, giữ chân người lao động, tỉ lệ người lao động quay lại làm việc sau Tết ngày càng cao, góp phần ổn định thị trường lao động. Số người không trở lại nơi làm việc do tìm được việc làm mới tốt hơn, phù hợp hơn, hoặc tham gia các khóa đào tạo hay khởi nghiệp tự tạo việc làm.