Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Trong nhiều năm qua, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đã có nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai trên toàn lãnh thổ Việt Nam, làm cơ sở khoa học cho việc giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai.
Trong những năm tới, ứng phó thiên tai vẫn là một nhiệm vụ nghiên cứu hàng đầu của giới nghiên cứu khoa học, cần có những định hướng chiến lược tham gia phòng chống thiên tai để góp phần bảo đảm an ninh, từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất đạt từ 1% đến 1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm tới, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người nước ta sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo kết quả nghiên cứu Viện Vật lý địa cầu và công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Trong nhiều năm qua, Viện đã có những đóng góp cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, cụ thể là thực hiện nhiệm vụ về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần, phân vùng động đất, nghiên cứu giông sét và phòng chống sét, bão từ…
Theo thông kê từ năm 2007 đến nay, Trung tâm đã thông báo khoảng 360 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.3 ảnh hưởng đến Việt Nam, điển hình là trận động đất xảy ra tại Vân Nam - Trung Quốc vào ngày 8/9/2018 với độ lớn 5.3 độ richter. Trong đó, động đất lớn nhất ghi nhận được xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam có độ lớn 4.7- 4.8 tại một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam (Bắc Trà My), Huế (A Lưới) và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu.
Theo các tính toán mới, thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam khoảng 5,2 tỷ USD/năm. Do đó, Việt Nam cần quan tâm đến công tác chuẩn hóa số liệu để có thể tham gia mạng quan trắc toàn cầu và khu vực, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về động đất sóng thần, khí tượng thủy văn và động lực biển, thường xuyên cập nhật số liệu điều tra, số liệu viễn thám và chia sẻ thông tin phục vụ nghiên cứu đa mục tiêu một cách công bằng trong hợp tác nghiên cứu khoa học.
Ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.
Diễn đàn là một cơ hội để các đại biểu, các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình và khuyến nghị cơ quan quản lý các cấp về những giải pháp phù hợp, hiệu quả để ứng phó với thiên tai.