Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng việc này cũng tương thích với Luật Nhà ở (sửa đổi), coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Luật Đất đai 2013 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau gần 10 năm áp dụng và đưa vào cuộc sống, Luật Đất đai còn nhiều nội dung bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy, một số cá nhân và tổ chức lợi dụng kẽ hở của luật để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là rất cần thiết.
Nhằm rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị: “Tại Điều 75 về Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” đồng tình theo quy định trong Luật nhưng cần xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất…
“Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị.
Còn đối với các dự án nhà ở xã hội… các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.
Còn tại Khoản 10 Điều 201 về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung quy định “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng so với quy định Luật Đất đai hiện hành, quy định trên thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ “Xác định nhu cầu xây dựng”. Mặt khác, vẫn chưa giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở công nhân tại khu công nghiệp chưa phù hợp, tương thích với nội dung sửa đổi trong Luật Nhà ở về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Do vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp tương thích với hướng Luật Nhà ở (sửa đổi), coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Cụ thể sửa khoản 10 Điều 201 Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung như sau: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn; bố trí quỹ đất, giao đất để lực lượng Công an nhân dân đảm bảo an ninh trật tự đối với khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, trong khu công nghiệp được bố trí nhà lưu trú công nhân tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp”.
Thực tiễn cho thấy việc xây nhà lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích; giảm chi phí đi lại cho công nhân và doanh nghiệp; giảm ùn tắc giao thông; tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai….
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XV, TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để mua. Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu đặt ra, Thành phố cũng đề ra cơ chế tài chính trong từng phương án cụ thể liên quan đến quỹ đất, quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. TP phấn đấu đến năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ thực hiện được các dự án này.
Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, riêng tại các khu chế xuất và khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, 80% công nhân, người lao động có nhu cầu thuê NƠXH thay vì mua nhà. Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố khi xem xét hồ sơ cho các đối tượng vay tiền thuê mua nhà ở xã hội cho biết ngân hàng luôn sẵn tiền nhưng tỉ lệ giải ngân rất thấp.
Ông Bùi Văn Sổn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết trong bốn năm từ 2018 đến 2021, ngân hàng này chỉ giải quyết cho vay được 250 khách hàng vay mua nhà ở xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Cùng với đó, theo quy định, ngân hàng chỉ có thể cho vay 80% tổng giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội. Điều này có nghĩa là nếu căn nhà có giá trị 1 tỉ đồng thì người vay phải có sẵn 200 triệu đồng.
“Đối với người có thu nhập thấp, việc phải có sẵn vốn 200 triệu đồng là không hề đơn giản. Đó là chưa kể nhà ở xã hội có giá 1 tỉ đồng hiện nay gần như không còn. Như vậy, người dân phải có sẵn nhiều hơn 200 triệu đồng mới có thể mua được nhà ở xã hội”, ông Bùi Văn Sổn nói.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng hướng đi phù hợp hiện nay vẫn là nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để tạo nguồn cung. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thay vì chủ yếu là thuê mua như hiện nay. Theo quy định, người có thu nhập thấp cũng là đối tượng được vay để thuê nhà ở xã hội. Hướng đi này sẽ giúp ngân hàng giải ngân nhanh hơn nguồn vốn vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội, người dân cũng dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội hơn.