Cán bộ cơ sở không thể nhớ nổi 'rừng' chính sách cho người nghèo

Tại hội thảo công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí năm 2017, diễn ra 17 - 18/5, tại Phú Thọ, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, có khoảng 80 chính sách cho người nghèo nhưng quy định tiền hỗ trợ nhỏ lẻ, lắt nhắt, khiến cán bộ cơ sở không thể nhớ nổi để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân.

Cán bộ xã Vinh Tiền (Tân Sơn, Phú Thọ) thông tin cho hộ nghèo về các chính sách giảm nghèo.

Nhiều chính sách nhưng quy định mức hỗ trợ chỉ 100.000 - 200.000 đồng/hộ dân khiến nguồn lực đã ít lại còn phân tán, đôi khi gây ra bất cấp. Đơn cử như việc hỗ trợ hộ nghèo tiền điện 30kWh (tương đương khoảng 50.000 đồng), người dân chi phí đi lĩnh tiền còn nhiều hơn số tiền được chi trả.

“Điều này khiến hiệu quả của các chính sách dành cho người nghèo không cao. Thậm chí nhiều chính sách không bố trí được nguồn lực, có nơi chỉ bố trí được 20% số vốn theo yêu cầu”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.


Để thống nhất lại các chính sách cho người nghèo, các bộ ngành sẽ tiến hành tích hợp 2 - 3 chính sách thành 1 chính sách để có thể dễ cho quản lý.


“Cụ thể như việc hỗ trợ cho học sinh bán trú có tới 3 văn bản hướng dẫn, nay Bộ Giáo dục và Đào tạo gom lại hướng dẫn tại một nghị định. Hoặc mảng hỗ trợ pháp lý cho người nghèo có 2 văn bản hướng dẫn cũng được Bộ Tư pháp tích hợp lại trong 1 văn bản… Điều này không chỉ thống nhất văn bản mà sẽ giúp cán bộ cơ sở nắm được chính sách để thực hiện. Bản thân là lãnh đạo chuyên về giảm nghèo nhưng cũng không thể nhớ hết được các văn bản hỗ trợ cho người nghèo. Do đó, trong năm 2017, các bộ, ngành đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các chính sách về giảm nghèo và tích hợp vào 1 nghị định hướng dẫn”, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho biết.


Trong quá trình tích hợp các văn bản chính sách về hình thức thì nội dung cũng hướng đến hạn chế việc cho không. Việc cấp không chỉ thực hiện đối với tình huống hộ nghèo bị thiên tai, cần hỗ trợ khẩn cấp; hỗ trợ cho cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (đối với tộc người dưới 10.000 người) và một số khu vực biên giới.


“Còn lại các chính sách liên quan giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là hỗ trợ có điều kiện, nhất là các khoản hỗ trợ vay sẽ phải hoàn trả lại. Tuy nhiên, khoản tiền thu hồi lại sẽ được dùng để hỗ trợ cho các dự án giảm nghèo cộng đồng khác”, ông Ngô Trường Thi cho biết.


Theo thống kê, cả nước có hơn 9,8% hộ nghèo và 5,2% hộ cận nghèo. “Theo báo cáo của các tỉnh thành, số hộ nghèo trong năm qua đã giảm khoảng 1,6%, tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cần phải kiểm chứng lại vì có nhiều địa phương chạy theo thành tích nên đăng ký nhiều số hộ giảm nghèo. Do đó, các địa phương không nên chạy theo thành tích mà khiến nhiều hộ mất quyền lợi”, ông Ngô Trường Thi cho biết.


Tin, ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc để giảm nghèo bền vững
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc để giảm nghèo bền vững

Tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 90 xã vùng đặc biệt khó khăn, 136 xã vùng cao, 21 xã và thị trấn biên giới. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 70% tổng số hộ dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN