Chỉ có thể hạn chế xe máy
Trước lộ trình cấm hoạt động xe máy tại các quận của Hà Nội vào năm 2030, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải cho rằng: Nếu nói cấm xe máy khu vực nội đô là hoàn toàn không khả thi mà chỉ có thể hạn chế. Việc này lặp lại hiện tượng không thực hiện theo quy hoạch, không quản lý được lại “cấm”. Người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy 70-80%, nếu cấm đi bằng phương tiện này, người dân đi bằng gì?
Với đặc thù nội đô, xe máy cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ô tô. Hai phương tiện cá nhân cùng đi với nhau tại sao cấm xe máy nhưng lại không cấm ôtô? Không ai cấm được xe máy. Dù thời nào vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, ngay cả như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... vẫn nhiều người dùng xe máy.
Việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương là hai trục hướng tâm sẽ phát sinh nhiều bất cập. Người dân đi qua tuyến đường đó chứ không phải đi hết đường đó rồi vào nhà. Nếu cấm 2 tuyến đường đồng nghĩa việc cấm hàng trăm tuyến đường khác. Từ đó, tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.
Khi thực hiện cấm xe máy thì giao thông công cộng phải đảm bảo 100% nhưng hiện nay, tại Hà Nội mới đáp ứng được 10 đến 20% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thì rất khó khả thi.
Do đó, Hà Nội không nên cấm mà phải tự phát triển phương tiện công cộng để người dân thấy tiện ích rồi lựa chọn chứ không phải "không quản được thì cấm". Để hạn chế được xe máy hay phương tiện cá nhân, cần phải đi theo mức độ đô thị hóa cũng như đi theo mức độ đáp ứng của xe công cộng.
Cấm xe máy khi đã có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ
Ông Đặng Thanh Tùng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nêu ý kiến: Ý tưởng cấm xe máy chỉ thực hiện tốt khi có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, cũng như kết nối với tuyến giao thông công cộng thuận lợi. Nếu cấm tuyến đường Nguyễn Trãi thì khi từ nội thành đến Ngã Tư Sở hoặc từ quốc lộ 6 vào đến Hà Đông người dân để xe ở đâu và đi gì chặng tiếp theo. Tất cả khá mơ hồ? Nếu áp dụng như vậy mà chưa có sự đồng bộ, người dân sẽ đi sang các tuyến đường khác thì sẽ rơi vào tình trạng “thoáng chỗ này nhưng tắc chỗ khác”. Như vậy tắc vẫn hoàn tắc.
Có dịp đi công tác nước ngoài nhiều, điển hình như Trung Quốc thì họ có hệ thống giao thông khá đầy đủ và hiện đại. Bên cạnh đó họ có lộ trình cụ thể khi đã có hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì họ mới tiến hành cấm xe cá nhân.
Trong khi đó, các tuyến đường sắt trên cao của Việt Nam, trong đó trục Cát Linh – Hà Đông thì liên tục chậm tiến độ, trục BRT thì khá bất tiện cho người dân. Các tuyến này đều là trục rất đông người đi lại, nếu cấm xe máy các trục đường này thì các tuyến khác xung quanh sẽ “vỡ trận”.
Nội thành Hà Nội có quá nhiều nhà cao tầng
Bà Phạm Thu Thủy, nhân viên văn phòng (Dịch Vọng, Cầu Giấy) nêu quan điểm: Việc cấm xe máy khu vực nội đô Hà Nội để giảm ùn tắc là không hợp lý vì bản chất của hiện tượng ùn tắc của Hà Nội thời gian gần đây là do có quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô. Trục đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương rất nhiều chung cư, nhà cao tầng, việc cấm xe máy là điều không khả thi.
Thời điểm này còn quá sớm để thực hiện cấm xe máy. Nếu muốn cấm thì trước hết phải xem tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hoặc tuyến BRT trên trục Lê Văn Lương đã thực sự hoạt động hiệu quả chưa?
Dù đề ra đến năm 2030, Hà Nội cấm phương tiện xe máy trong nội đô nhưng thực tế lộ trình về quy hoạch phương tiện công cộng, các dịch vụ kết nối gần như rất thiếu thông tin. Những thông tin trước mắt là tuyến đường sắt trên cao liên tục chậm tiến độ sẽ khó tạo niềm tin cho người dân.