Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, tính đến ngày 10/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 9 hộ thuộc 5 xã, phường (thuộc 5 quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn). Tổng số lợn đã tiêu hủy là 172 con. Trong 2 ngày qua, Hà Nội không phát sinh thêm điểm dịch mới nào. Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra chuyên ngành tại các quận, huyện.
Theo thống kê, Hà Nội có đàn lợn gần 2 triệu con. Tuy nhiên, việc chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ lớn, gây ảnh hưởng đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, việc chủ động kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh sớm, từ xa có vai trò quan trọng.
Các quận, huyện tại Hà Nội xảy ra dịch đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động hệ thống chính trị, các đoàn thể tham gia phòng chống dịch bệnh; tiêu độc khử trùng toàn khu vực, theo dõi giám sát dịch bệnh; tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các hộ chăn nuôi xung quanh...
Hà Nội chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao tại các quận, huyện để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, lò mổ, điểm giết mổ…); giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn xóm, cụm dân cư, kịp thời xử lý ngay khi có gia súc ốm, chết.
Thành phố yêu cầu các quận, huyện đã xảy ra dịch đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân để tránh việc bán chạy và nhanh chóng khôi phục sản xuất; đề xuất thành phố hỗ trợ theo mức giá bằng 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thương phẩm; từ 1,8 - 2 lần đối với lợn nái và mức hỗ trợ thấp nhất là 38.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Huy Đăng cho hay, đối với việc tiêu thụ tại khu vực có dịch, những cơ sở, gia đình nuôi lợn rừng tiếp tục nuôi, khi hết ngày công bố dịch sẽ được phép tiêu thụ. Đối với đàn lợn nuôi, nếu trang trại nào xét nghiệm âm tính cho phép tiêu thụ trong huyện và phải giết mổ tại lò mổ để kiểm soát dịch bệnh.