Cải cách tiền lương cần sự đột phá trong đổi mới tư duy

Ngày 21/8, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng cần một sự đột phá trong đổi mới tư duy về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công.

Theo ông Long, nếu làm tốt vấn đề này, nguồn lực của đổi mới và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được tăng cường, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần làm trong sạch bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công cụ.

Từ quan điểm đầu tư cho chính sách tiền lương là đầu tư cho phát triển, ông Trương Giang Long nhấn mạnh về các giải pháp như: sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu, từng bước hình thành một hệ thống chế độ tiền lương đồng bộ, khoa học; xác định cụ thể phạm vi và đối tượng trả lương, sắp xếp lại hệ thống thang bậc lương theo hướng đơn giản nhưng hiện đại; đi đôi với tinh giản biên chế cần nhanh chóng rà soát lại những công việc nào do Nhà nước đảm nhận, việc nào có thể chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ công.

Tại cuộc tọa đàm “Vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động” theo tinh thần Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 21/8 tại TP Hồ Chí Minh do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức, các tham luận nêu rõ: Tiền lương là hình thức thu nhập cơ bản và cũng là biểu hiện, phản ánh kết quả của nguyên tắc phân phối theo lao động.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chính sách, chế độ tiền lương ở Việt Nam hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế và không phù hợp. Chính sách, chế độ tiền lương hiện hành đang triệt tiêu những động lực của sự phát triển và đang làm lệch hướng mục tiêu xây dựng xã hội công bằng.

Các đại biểu tập trung làm rõ bản chất, nội dung, tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khóa XI và đề xuất những giải pháp để đưa Nghị quyết về cải cách tiền lương của cán bộ công chức và người lao động thấm vào máu thịt của cuộc sống.

PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học kinh tế TP Hồ Chí Minh nêu lên một số kiến nghị về việc tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương nhằm khắc phục hiện tượng bình quân; cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; cải cách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm đẩy nhanh xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công….

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh cần tập trung thay đổi tư duy và tìm giải pháp để lương tăng là thực chất, không bị giá cả thị trường rượt đuổi như hình với bóng. Cần thay đổi tư duy, chuẩn bị đẩy đủ cho việc tăng lương như một chiến dịch lớn, trở thành một giải pháp hữu hiệu phát huy đầy đủ ý nghĩa của đồng lương – đủ sống và có một phần tích lũy.


Hà Huy Hiệp
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN