Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Do ảnh hưởng của bão số 3, đến sáng 19/7 tại Nghệ An đã có trên 10.548 ha lúa, 3.712 ha ngô và rau màu, 570 ha ao nuôi thủy sản và nhiều diện tích cây trồng khác bị ngập trong nước.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu, khu dân cư… ở Nghệ An bị ngập do bão số 3 (Ảnh chụp lúc 7 giờ 30 phút sáng 19/7). Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/ TTXVN

Hiện trên địa bàn tỉnh nhiều tuyến giao thông bị ngập nước, bị sạt lở đất đá, hư hỏng không thể qua lại, nhất là các tuyến đường nội xã, nội thôn. Nhiều khu vực dân cư vẫn trong tình trạng bị chia cắt.

Sáng 19/7, ngay sau khi bão tan, mưa ngớt, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh Nghệ An nỗ lực triển khai. Tuy nhiên ở một số địa phương trong tỉnh công tác khắc phục vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích ao hồ nuôi thủy sản, đồng ruộng đang bị ngập, việc khắc phục phải chờ nước rút bớt.

Trong sáng 19/7, các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng kiểm tra các cống, hồ đập, có giải pháp điều tiết, đóng mở nước hợp lý để vừa bảo đảm an toàn cho các hồ đập, vừa có thể tích trữ nước đề phòng có thể sẽ còn những đợt nắng nóng, khô hạn trong tháng 8. Một số ki ốt kinh doanh tại thị xã Cửa Lò cũng đã bắt tay vào sửa chữa, dọn dẹp để trong những ngày tới đưa vào kinh doanh trở lại. Ở các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, một số ngư dân đã chuẩn bị ngư cụ, hậu cần để bắt đầu cho chuyến ra khơi mới.

Tại một số tuyến giao thông bị ngập nước, hư hỏng, sạt lở, ngành giao thông đã bố trí phương tiện, lực lượng để khắc phục. Đối với một số tuyến đường bị ngập lụt nặng, ngành giao thông và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An kiên quyết đóng đường không để người dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

* Tại Hà Tĩnh, ảnh hưởng của bão đã làm nhiều nhà dân ở huyện Nghi Xuân bị tốc mái, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu ở các huyện ngập lụt, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.

Huyện Nghi Xuân chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền xã Xuân Phổ cùng nhân dân lợp lại mái nhà và sửa lại các hạng mục bị hư hỏng của 13 ngôi nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái và hư hỏng. Sau khi bão tan, các cấp chính quyền huyện Nghi Xuân cũng đưa 861 người chủ yếu là người già và trẻ em của các xã vùng ven biển, vùng xung yếu đã được di dời trước bão trở về nhà.

Tại các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, nhân dân đã tổ chức tháo nước, tiêu úng. Hiện thủy điện Hương Sơn đang xả lũ với lưu lượng từ 10 đến 20 m3/s nên các xã vùng hạ lưu chủ động đối phó với tình trạng ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng. Tại xã Sơn Giang và một số xã vùng ven sườn núi có 25 điểm sạt lở gần nhà dân được chính quyền tuyên truyền và chủ động di dời tránh bị sạt lở đất, đá vùi lấp.

Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở một số tuyến giao thông như: Quốc lộ 8A sạt lở phần ta luy dương ở đoạn Km82+300 và rải rác từ Km73 đến Km82 ở xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn; lực lượng chức năng sử dụng máy xúc san, gạt đảm bảo lưu thông.

* Tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa Nguyễn Văn Thăng cho biết vào chiều 18/7 mưa to, gió mạnh đã gây thiệt hại về người, tài sản ở các thôn và một số doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hợp Thịnh.

Thống kê thiệt hại tính đến 18 giờ ngày 18/7, Công ty cổ phần gạch tuynel Hòa Sơn (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh) có 2 dãy nhà xưởng và gạch đổ sập hoàn toàn, toàn bộ đường điện bị đứt, ước thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Công ty có 1 công nhân tử vong và 2 công nhân bị thương nặng. Người tử vong là chị Hoàng Thị Quy (sinh năm 1969, ở thôn Hà Nội, xã Đại Thành); 2 người bị thương nặng là Ngô Thị Tiến (sinh năm 1973) và Nguyễn Thị Thuần (sinh năm 1974), đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Hai người bị thương đã được chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức để cấp cứu. Còn Công ty Ngọc Việt bị tốc mái tôn dãy nhà xưởng.

Đến 19 giờ 30 phút ngày 18/7, các thôn trên địa bàn xã Hợp Thịnh đã có nhiều thiệt hại về tài sản gồm 1.735 m2 mái nhà bị tốc; đổ 485 m tường rào; sập hoàn toàn 1 công trình phụ; đổ 60 cây phân tán. Trong đó, ở thôn Ninh Tào có 290 m2 mái nhà bị tốc, sập một số công trình phụ. Ở thôn Trung Tâm có 21 hộ bị thiệt hại, trong đó 5 hộ bị tốc mái nhà ở chính; 16 hộ có trang trại và gia trại bị tốc mái; ngoài ra có 450 m2 tường rào, 60 cây phân tán bị đổ...

Lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương do thiên tai; hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong 5,4 triệu đồng; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tích cực hỗ trợ xã Hợp Thịnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

TTXVN/Báo Tin tức
Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Bắc Bộ và Trung Bộ mưa lớn
Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Bắc Bộ và Trung Bộ mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 18/7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào sâu vào đất liền, sau đó sẽ suy yếu dần thành một vùng áp thấp trong 24 giờ tới. Từ nay đến ngày 21/7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN