Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, đầu tháng 7 này, chính quyền địa phương sẽ hoàn tất việc di dời khoảng 300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở ven biển, có nguy cơ sạt lở về nơi cư trú an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài. Hiện nay, sau khi được chính quyền vận động, hầu hết bà con đều tự nguyện di dời.
300 hộ được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm này nằm trong số gần 2.000 hộ dân đang cất lều, dựng trại cư trú trong khu vực rừng phòng hộ ven biển. Bà con sống rất tạm bợ, dùng cây lá dựng lều để ở và chặt cây rừng, bắt thuỷ sản bán để kiếm sống qua ngày. Hầu hết bà con không phải là người địa phương, không hiểu các quy định về bảo vệ rừng cũng như bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khiến các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu quản lý, xử lý vi phạm.
Cảnh điêu tàn gần khu vực Khai Long (Cà Mau) sau khi bị biển tấn công - Ảnh: Thanhnien |
Chính quyền địa phương đã đầu tư trên 300 tỷ đồng quy hoạch, xây dựng 5 khu tái định cư với tổng diện tích trên 1.000 ha để di dời các hộ dân về sinh sống. Sau 3 năm vận động, hiện đã có 170 hộ về nơi ở mới. Dự kiến trong năm 2012, chính quyền địa phương sẽ đưa tiếp khoảng 500 hộ về ở; trước mắt giải quyết số hộ hiện sống trong vùng nguy hiểm ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở mạnh và triều cường dâng cao, số còn lại sẽ tiếp tục di dời trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng cho biết, việc sắp xếp, bố trí chỗ ở, nơi tái định cư cho dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo tích cực để các hộ dân thuộc diện này có cuộc sống ổn định, an toàn và không lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển nữa.
Trần Thành Nên