Cà Mau: Cần trên 9.200 tỷ đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu

Kết quả rà soát hiện nay cho thấy, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, tình trạng này đối với bờ sông vào khoảng 365km, với các mức độ sạt lở khác nhau.

Chú thích ảnh
Đê chắn sóng bằng bê tông và đá hộc phát huy hiệu quả, bảo vệ rừng ngập mặn của xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sạt lở bờ biển ở mức đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35km, tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25-50m, đặc biệt có những nơi lên đến 50-80m. Trong khi đó, với khoảng 65km bờ biển đang sạt lở ở mức nguy hiểm, thì tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 20-40m. Trước thực tế trên, theo tính toán, địa phương cần đầu tư đồng bộ các công trình với kinh phí dự kiến khoảng 3.956 tỷ đồng.

Đối với tình trạng sạt lở bờ sông, hiện nay, địa phương đang phải đối mặt với khoảng 114km bờ sông ở mức đặc biệt nguy hiểm và 251km ở mức nguy hiểm. Vì vậy, Cà Mau cần ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở tại các khu vực dân cư tập trung để bảo vệ hạ tầng bên trong với tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm khoảng 24km, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 1.958 tỷ đồng. Đồng thời, sắp xếp 8 khu tái định cư, di dời 1.382 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở nói trên với kinh phí khoảng 449 tỷ đồng.

Tỉnh Cà Mau nhận định, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm, rất khó để khôi phục.

Trong diễn biến liên quan, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cấp hạ tầng của thành phố Cà Mau theo định hướng phát triển của đô thị loại I, tỉnh Cà Mau cần nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với hơn 2.900 tỷ đồng để thực hiện một số dự án. Trọng điểm là dự án Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cà Mau, với kinh phí ước tính khoảng 1.750 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ven sông thành phố Cà Mau, đoạn từ cầu Phụng Hiệp đến cống Cà Mau, với mức kinh phí dự kiến khoảng 1.225 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thành phố Cà Mau đang rất “nhạy cảm” và dễ bị “tổn thương” bởi tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn mà đặc biệt là tình trạng sạt lở đang diễn ra phổ biến, khó lường như hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến các công trình, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

Dự báo, tình trạng sạt lở sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi của cơ cấu mưa. Cùng với đó, quá trình phát triển đô thị, sự dịch chuyển dân cư, chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, cùng với các hoạt động phát triển kinh tế ở tốc độ cao làm cho hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố quá tải, cũng như gây ra nhiều hệ lụy về môi trường như: Ngập lụt, sụt lún đất nền, suy giảm mực nước ngầm…

Huỳnh Anh (TTXVN)
Phát triển mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu
Phát triển mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngành nông nghiệp tỉnh tỉnh Trà Vinh tiếp tục khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, phát triển mô hình sản xuất rừng – tôm, lúa – tôm để thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo tính hiệu quả bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN