Tham gia Đoàn giám sát có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây thiệt nặng nề về người và tài sản. Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ các hiện tượng thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, gió Tây khô nóng xuất hiện sớm và kéo dài.
Với đặc trưng nhiệt độ trung bình cao cùng những đợt nắng nóng có thể lên đến trên 40 độ C, các hệ sinh thái khu vực đầm và rạn san hô ven biển tỉnh Bình Định có nguy cơ bị suy giảm về mặt đa dạng sinh học. Giai đoạn 2016-2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình và văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu để tổ chức thực hiện.
Bình Định lồng ghép mục tiêu, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể. Từ đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; huy động nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự tham gia đóng góp của tổ chức, cá nhân và nhân dân trong công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Bình Định hiện có 3 đơn vị hoạt động liên quan đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu. Từ năm 2016-2021, Bình Định thực hiện 22 nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, với kinh phí 521,3 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện 12 nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, tổng kinh phí 451,7 tỷ đồng.
Việc giảm phát thải khí nhà kính, chất làm suy giảm tầng ozone, phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; thu hồi năng lượng từ các chất thải của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đã được thực hiện với nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bình Định có lúc còn lúng túng và bị động. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu cơ bản về biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn, giám sát khí hậu còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là lĩnh vực mới, tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực trong khi bộ máy quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, còn thiếu về số lượng và chuyên môn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh còn hạn chế.
Tỉnh Bình Định kiến nghị, Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí cho việc cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng công tác quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Bình Định kiến nghị các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận với chương trình, dự án quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng và trình Chính phủ Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, trong đó có giải pháp quy hoạch đảm bảo chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao những biện pháp tỉnh Bình Định triển khai trong thực hiện chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, có quy định mang tính dài hạn hơn về công tác biến đổi khí hậu; rà soát lại chương trình, đảm bảo việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đối với kiến nghị, đề xuất của Bình Định, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết.
Trước đó, Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Dự án Nâng cấp hệ thống đê Đông và trồng rừng ngập mặn đầm Thị Nại, đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn), Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 2 (thành phố Quy Nhơn), Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (xã Cát Chánh và thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát), Nhà máy Năng lượng Mặt trời Phù Mỹ (xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ).