Mùa hè năm 2014, khi còn hoang mang về tương lai với những sấp giáo án giảng thử tại các trung tâm ngoại ngữ, tôi nhìn thấy thông báo tuyển dụng của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Thấy yêu cầu tuyển dụng phù hợp, tôi nộp đơn ứng tuyển. Hai tháng sau khi hoàn thành bài kiểm tra đầu vào, nhận được giấy báo trúng tuyển, tôi lúc đó vẫn chưa biết vào đây sẽ làm những công việc gì. Tháng 8 năm đó, tôi được phân công về phòng Quốc tế của báo Tin tức. Nghề báo đối với tôi hoàn toàn mới mẻ! Ngoài khả năng dịch thuật tiếng Anh thì mọi kỹ năng viết báo của tôi, từ làm thế nào để viết tin bài với ngôn từ chuẩn mực báo chí, vận dụng phương pháp “đặt câu hỏi” 5W1H để có một bài viết toàn diện về mặt tư duy hay chỉ đơn giản là tìm đề tài, rút tít sao cho vừa chính xác mà vẫn hấp dẫn người đọc,… đều bằng 0.
Còn nhớ khi mới được nhận vào làm, tôi cùng các biên tập viên mới ở các đơn vị khác được sắp xếp đi học nghiệp vụ báo chí tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn. Khóa học 2 tuần diễn ra suôn sẻ trừ việc kết quả thi cuối khóa của tôi được trả về tòa soạn. Thời điểm đó, Tổng biên tập báo Tin tức là chú Nguyễn Quang Vinh. Chú gọi tôi sang phòng nhận kết quả. Tin: 5 điểm, bài: 8 điểm. Không buông lời nặng nề nhưng câu nói “Sao học kiểu gì lại có 5 điểm” của chú khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra khi rõ ràng từ trước đến nay vẫn luôn được cho là một người học nghiêm túc, tiếp thu nhanh.
Niềm hoài nghi về trình độ của mình ngày một lớn khi Trưởng phòng Quốc tế Lê Vũ Hội giao cho tôi một bài viết về cuộc chiến sắc tộc ở Syria giữa người Hồi giáo Sunni và người Hồi giáo Shi'ite. Từ mới nào cần tra tôi cũng tra xong rồi. Nhưng đọc cả bài tôi vẫn không hiểu một cái gì. Tôi nộp lên sếp một bản dịch lủng củng và mơ hồ. Nhận bài dịch của tôi, anh Hội đọc qua và chỉ bảo: “Cần đọc nhiều Hạnh à. Đọc để xây dựng kiến thức nền tốt trong tất cả lĩnh vực. Bản thân không hiểu rõ vấn đề thì làm sao có thể viết được một bài báo giúp độc giả hiểu được”.
Tôi bắt đầu xốc lại tinh thần. Tranh thủ khi làm nhiệm vụ up tin lên trang điện tử, tôi nghiền ngẫm tin của các phóng viên, biên tập viên ban nguồn viết, vừa để nạp kiến thức vừa để học luôn cách viết tin sao cho ngắn gọn những vẫn đầy đủ thông tin.
Tôi học cách làm breaking news của anh Thanh Tuấn, tìm “thị trường ngách” ít ai khai thác để làm tin như anh Hà Ngọc gợi ý, cân bằng quan điểm của các bên đang xung đột để bài viết khách quan như chị Dương vẫn luôn “trả bài để bổ sung” hay cách viết seo, tag hiệu quả mà chị Hằng hướng dẫn.
Được sự bảo ban của các lãnh đạo phòng, cùng với sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp, từ một “kẻ ngoại đạo” với những câu từ ngô nghê, kết cấu bài viết lệch chuẩn, tôi dần tiến bộ và trưởng thành hơn trong công tác chuyên môn, có được những thành tích tuy là khiêm tốn nhưng cũng đáng ghi nhận trong những năm mới vào nghề, như giành giải thưởng “triệu view” 2 năm liên tiếp của tòa soạn Báo Tin tức, được nêu gương “Người tốt việc tốt” trên nội san Thông tấn và lọt top 10 thanh niên tiêu biểu của TTXVN năm 2018.
Không chỉ ngồi văn phòng làm bạn với máy tính và morat ngoại ngữ, tôi còn được anh chị lãnh đạo tạo cơ hội cho rèn luyện các kỹ năng cần thiết của một phóng viên, cho phép trực tiếp ra hiện trường tác nghiệp như trong tuyến tin về đội tuyển U23 Việt Nam tham gia giải vô địch AFC U23 2018. Một mình “phục kích” khách nước ngoài ở phố Tạ Hiện xem trận chung kết U23 Việt Nam với U23 Uzbekistan, tôi mới thấm thía được nỗi vất vả của một phóng viên hiện trường. Bảy tiếng đồng hồ vai đeo ba lô máy tính trĩu nặng, mặc áo mưa hết đứng chụp ảnh lại ngồi phỏng vấn quay video qua điện thoại, nhận chỉ đạo liên tục từ “sếp” trong nhóm thông tin, rồi lại vội gửi tin ảnh về trong khi sóng mạng thì “chập chờn”, quả thực ngày hôm đó đã cho tôi một trải nghiệm khác biệt đầy thú vị.
Trong quá trình làm việc, tôi phát hiện ra mình cũng không đến nỗi “mù” công nghệ như bản thân trước nay vẫn lầm tưởng. Mặc dù kỹ năng thiết kế và dựng hình vẫn còn ở trình độ tương đối nghiệp dư nhưng tôi tự hào đã đóng góp công sức hoàn thiện những bài viết thể loại Megastory hay phóng sự truyền hình trong thời gian đầu báo Tin tức thử nghiệm.
Ra trường và vào làm tại phòng Quốc tế, tôi cảm thấy may mắn khi được trưởng thành trong môi trường văn minh, lành mạnh, không có những thước phim “cung đấu” dài tập nơi công sở. Phòng Quốc tế nói riêng và Báo Tin tức nói chung là một tập thể những người đồng nghiệp đoàn kết tương trợ nhau như anh chị em trong nhà. Ai cũng hừng hực tinh thần tự giác làm việc, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia đồng cảm khi một người trong phòng vướng mắc những lo toan bộn bề trong cuộc sống.
Không chỉ làm việc hết mình, các anh chị em cũng vui chơi “hết nấc”. Những buổi chiều cùng hội chị em bạn dì order trà sữa, những buổi tập đam mê với “vũ điệu rửa tay”, những buổi liên hoan tòa soạn “full team” đăng ký tham gia hay phút mốt ngẫu hứng “book’ vé máy bay du lịch tập thể vào tận Đà Nẵng đều trở thành những trang ký ức đẹp trong mối tình tuổi trẻ gần 10 năm va vấp đường đời của tôi.
Hơn 8 tiếng mỗi ngày cùng nhau, đôi khi ở bên đồng nghiệp còn nhiều hơn chính gia đình đối với một người ở tỉnh lên Hà Nội làm việc, “tình đồng nghiệp” từ lúc nào đã chiếm một vị trí quan trọng và luôn là thứ tình cảm tôi luôn trân quý.
Đối với tôi, sự nghiệp làm báo vẫn còn là một chặng đường dài để trưởng thành. Trong ngôi nhà “Tin tức”, tôi mong tiếp tục được những phóng viên, nhà báo dày dạn kinh nghiệm, sắc sảo “mài giũa” chuyên môn để rồi trong tương lai, bản thân có thể tự hào cho ra đời những tác phẩm mang dấu ấn hơn, thăng hoa hơn.