Trước đó, từ ngày 15 - 19/10 có 244 người tại thành phố Đồng Hới bị ngộ độc và phải nhập viện do ăn bánh mỳ của cơ sở Vương Tiến Thành. Sau khi ăn bánh mỳ, nhiều người có triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, ói, đau bụng, sốt và đi ngoài nhiều lần. Đây được coi là vụ ngộ độc lớn nhất tại tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay.
Sau khi nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình đã yêu cầu cơ sở bánh mỳ này ngừng sản xuất để làm rõ nguyên nhân đồng thời lấy mẫu thực phẩm tại đây cùng mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mang đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình. Kết quả cho thấy 4/9 mẫu có trực khuẩn Salmonella gây bệnh đường ruột.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình quyết định xử phạt 4 triệu đồng đối với cơ sở Vương Tiến Thành, theo khoản 2 Điều 20, khoản 3 Điều 4 N ghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; buộc cơ sở phải chi trả toàn bộ chi phí điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm trong thời gian xảy ra ngộ độc, chi trả tiền xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và thực phẩm cùng chi phí khám, điều trị cho bệnh nhân.
Thừa nhận sai phạm của mình, ngày 25/10, đại diện cơ sở bánh mỳ Vương Tiến Thành đã đến thăm hỏi, hỗ trợ tiền và quà cho gần 100 bệnh nhân với khoảng 73 triệu đồng. Trong những ngày tới, cơ sở tiếp tục thăm hỏi, hỗ trợ những bệnh nhân còn lại.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình cho biết: Trong 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở bánh mỳ này phải hoàn tất việc chi trả chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và khắc phục điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ.
Sau khi khắc phục các yêu cầu trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới được phép hoạt động trở lại.