Hậu Giang:

Bức xúc thầy tịch thu, cắt dép học trò

Những ngày qua, hàng chục phụ huynh, học sinh trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây xã Vĩnh Thuận Tây,  tỉnh Hậu Giang rất bức xúc vì con em họ bị giáo viên tịch thu, cắt dép; trong số đó, nhiều học sinh thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn.

Trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy.


Tiếp xúc với chúng tôi, em Ngô Thị Quỳnh Như, lớp 10A9 rưng rưng nước mắt. Nhà em nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê. Đôi dép của em có giá 135.000 đồng, bằng gần 2 ngày làm thuê của mẹ. Vậy mà em mới đi học 2 ngày đã bị thầy giáo cắt bỏ. Hôm bị thầy cắt dép, em phải đi chân trần trên quãng đường hơn 2 km để về nhà. Anh Ngô Văn Tòng và chị Trương Bạch Tạo (cha mẹ cháu Như) cho rằng hành vi của thầy giáo là không thể chấp nhận được. Theo chị Tạo, sau khi em Như bị cắt dép, chị phải đi mua nợ giầy ba ta để con đi học theo nội quy nhà trường. Hoàn cảnh cháu Lê Phú Cường (học cùng lớp với em Như) còn bi đát hơn vì là hộ đặc biệt khó khăn, nhà ở tạm trên phần đất mượn của người quen nên khả năng mua dép mới thay thế càng xa vời...

Theo hai em Như và Cường, lớp 10A9 có số 40 học sinh nhưng có hơn 50% số bạn bị thầy tịch thu, cắt dép. Các em cho biết, đầu tuần thầy chủ nhiệm thông báo nội quy, thời gian bắt buộc mang giầy bata trắng đi học là ngày 26/8. Tuy nhiên mới đến ngày 21/8, thầy Võ Văn Thường, giáo viên - Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường xuống từng lớp kiểm tra và tịch thu, cắt dép vì cho rằng học sinh vi phạm nội quy nhà trường.

Em Ngô Thị Quỳnh Như.


Theo các em , số bạn bị cắt quai dép là vài chục em nhưng trao đổi với chúng tôi, thầy Thường và Ban giám hiệu trường chỉ thừa nhận một vài trường hợp.

Sự việc xảy ra đã hơn 1 tuần nhưng học sinh, phụ huynh chưa nhận được phản hồi nào từ thầy Thường cũng như lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên Ban giám hiệu lại khẳng định đã trực tiếp xin lỗi phụ huynh và mua dép mới bồi thường cho học sinh. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, thầy Lương Phong Nhã, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thủy thừa nhận có xảy ra việc tịch thu, cắt dép của một vài học sinh. Còn thầy Võ Văn Thường biện minh rằng vì nhắc nhở nhưng các em không chấp hành nên buộc phải tịch thu giữ lại đến cuối năm sẽ trả lại.

Trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây là điểm trường 2 thuộc trường THPT đặt tại trung tâm huyện Vị Thủy. Năm học 2013-2014, toàn trường có gần 200 em theo học ở 6 lớp từ khối 10 - 12 nhưng có đến hơn 20 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện ý thức, tác phong, cũng như xem xét điều kiện đi lại thực tế, năm học 2012-2013, nhà trường ban hành nội quy bắt buộc học sinh đi học phải mặc đồng phục (quần tây, áo sơ mi, giầy bata trắng). Giữ vững nề nếp và kỷ cương giáo dục trong nhà trường là cần thiết tuy nhiên hình thức xử lý vi phạm của trường THPT Vị Thủy đã ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường sư phạm cần có của một trường học. Ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang cần sớm chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể sai phạm, đồng thời yêu cầu bồi thường tài sản, trực tiếp xin lỗi phụ huynh, học sinh để ổn định dư luận trước khi bước vào năm học mới.


Huỳnh Sử

Làng của những “tỷ phú tái chế”
Làng của những “tỷ phú tái chế”

Bên cạnh những mặt tích cực đem lại nguồn thu lợi “khủng” cho các hộ gia đình, giải quyết việc làm cho người dân, thì làng Khoai cũng đang đứng trước cảnh “người lớn sống chung với rác”, “trẻ em chơi đùa quanh rác”... và những hệ lụy trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN