Làng của những “tỷ phú tái chế”

Ai lần đầu đến làng Khoai (thôn Minh Khai - thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng đều bất ngờ trước những khối rác khổng lồ, chất cao như núi rải khắp các lề đường ngõ xóm, ven sông, ao, hồ và vào tận trong nhà. Bên cạnh những mặt tích cực đem lại nguồn thu lợi “khủng” cho các hộ gia đình, giải quyết việc làm cho người dân, thì làng Khoai cũng đang đứng trước cảnh “người lớn sống chung với rác”, “trẻ em chơi đùa quanh rác”... và những hệ lụy trong tương lai.


Cái lợi trước mắt...


Làng Khoai có khoảng hơn 900 hộ dân thì có tới 99% hộ tham gia kinh doanh và sản xuất dưới mọi hình thức. Hầu hết rác thải thu gom từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đều được tập kết về đây. Thậm chí, các chủ hộ kinh doanh còn cất công lên tận Lạng Sơn, Cao Bằng... nhập rác từ nước ngoài về để phục vụ cho quá trình sản xuất.


Đằng sau những “núi” rác ngổn ngang là những tòa nhà cao tầng, biệt thự khang trang.


Hàng ngày, hàng chục xe tải rác được chở đến làng Khoai và chất đầy thành núi. Các chủ sản xuất sẽ thuê người phân loại thành nhiều loại rác khác nhau, loại nhựa cứng, loại nhựa dẻo, loại màu, loại không màu...


Sau đó, rác được phân loại sẽ đem đi xay nát và chuyển vào bể rửa để làm sạch, nhiều cơ sở còn sử dụng xà phòng và javen để tẩy trắng rác. Sau khi rác được rửa sạch sẽ được đẩy vào máy tạo và cho ra lò những khối nhựa đặc quánh, rồi tiếp tục chuyển trực tiếp vào máy cắt để tạo thành những hạt nhựa li ti (riêng hạt nhựa cũng được phân loại thành nhựa đẹp và xấu, nguyên chất và hỗn tạp). Đối với những hạt nhựa “ngon” có thể đem bán cho các cơ sở sản xuất các loại hàng cao cấp và công nghệ hiện đại (như: rổ, rá, bàn ghế nhựa... .). Còn ở làng Khoai các đơn đặt hàng chủ yếu là những sản phẩm đơn giản, công nghệ thấp (như túi nilong, ống nhựa, móc áo, màng mỏng...).


Bác Hùng, chủ một hộ sản xuất nhỏ cho biết: “Mỗi tháng tái chế khoảng 50 - 60 tấn rác và tạo ra được khoảng 40 - 50 tấn sản phẩm, thu nhập sau khi trừ đi tất cả các khoản như: lương công nhân, mua nguyên liệu, sửa máy móc... thì trung bình mỗi tháng xưởng nhỏ lẻ như chúng tôi sẽ thu về khoảng 20 – 30 triệu/tháng. Đấy là với hộ gia đình, còn ở khu làng nghề thì thu về sẽ nhiều hơn, có khi gấp đôi”.


Những đống rác bỏ đi đã “ngủ im” ở ven đường gần chục năm nay mà vẫn không được xử lý..


Với nguồn thu nhập như vậy, mấy năm trở lại đây làng Khoai như được “thay da đổi thịt”, những căn nhà lá, nhà ngói được thay thế bởi những khu nhà cao tầng, biệt thự khang trang...


Bên cạnh việc đem lại nguồn thu khổng lồ cho các hộ gia đình thì nghề tái chế rác còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động từ các nơi đến.


Những người được thuê làm công đoạn phân loại rác thường là phụ nữ ở tuổi trung niên, tận dụng thời gian nhàn rỗi đi làm kiếm tiền, đến mùa gặt lại nghỉ. Thu nhập của họ khoảng 70.000 - 120.000 đồng/ngày, còn với những người làm khoán thì thu nhập khoảng 120.000 - 170.000 đồng/ngày. Trực tiếp vận hành máy móc thường là những thanh niên còn trẻ, có sức khỏe, thu nhập mỗi ngày của họ từ khoảng 150.000 đồng (đối với thợ mới) đến 250.000 đồng (đối với thợ lâu năm).


Hệ lụy lâu dài...


Sự giàu lên từng ngày của làng Khoai tỷ lệ thuận với sự “phình to” của những đống rác, với mùi hôi thối nồng nặc của ao, cống, rãnh nước thải và những “ổ bệnh” trong cơ thể người dân.


Người làm thuê “tay trần, chân đất” phân loại rác.


Đến làng Khoai, khó ai mà chịu được nổi cái mùi hôi thối từ những đống rác thải chưa được phân loại, từ những cống thoát nước “kém chất lượng”, mùi nhựa khét lẹt từ những khu tạo phẩm, lẫn vào đó là tiếng ồn phát ra từ đoàn xe tải chở rác, từ các xưởng sản xuất làm việc suốt ngày đêm...


“Đến cả cây cối còn chết, nói gì đến động vật. Chó mèo người ta còn chẳng nuôi, chim chóc cũng bay đi hết. Ở đây chỉ có người thôi, chứ động vật mà đến đây ở, chắc được vài ngày rồi cũng ngấp ngoải, lăn đùng ra chết”, một người nhặt rác thuê chia sẻ.


Mấy năm trở lại đây lượng rác thải bỏ đi đã phần nào được khắc phục xử lý, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn còn khá trầm trọng.


Với những công nhân làm thuê, hầu hết họ không có bảo hộ lao động, “tay trần, chân đất” tiếp xúc với rác chứa chất độc hại. Có chăng vài nguời sử dụng những đôi găng tay vải, chiếc khẩu trang tự túc dùng đi dùng lại đến cả trăm lần.


Một phụ nữ làm thuê cho biết: "Chúng tôi làm thế này quen rồi, hôi, bẩn thì chỉ cần cho ít xà phòng vào rửa là đi hết”.


Ông Nguyễn Đình Phong, cán bộ UBND thị trấn Như Quỳnh, cho biết: “Tình trạng ô nhiễm ở đây rất nghiêm trọng: nguồn nước, khí thải, chất thải rắn rất lớn, gây nguy hiểm cho con người. Có nhiều dự án nghiên cứu, tìm cách xử lý nhưng vẫn không khắc phục triệt để được. Người dân thì biết là gây bệnh, gây ô nhiễm đấy, nhưng lại không biết cụ thể số liệu, hay gây những bệnh gì nguy hiểm”.


Ông Phong đề đạt thêm: “Các cơ quan chức năng phải đánh giá đúng mức thực trạng ô nhiễm môi trường ở làng Minh Khai, phải có số liệu, văn bản cụ thể để chính quyền xã có căn cứ mà tuyên truyền cho người dân biết mức độ nguy hại của nó. Đồng thời, định hướng cho người dân, đề ra các chủ trương để làng vừa giữ được nghề, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, cho môi trường”.



Bài và ảnh: Nguyễn Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN