Bức xúc chuyện 'cống nạp', 'ăn chặn' tiền chính sách ở Nam Định

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đã và đang chú trọng quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là người có công, người tàn tật… thì tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) nhiều đối tượng chính sách đã phải "chung chi" nhiều tiền mới được xét duyệt chế độ, thậm chí có đối tượng là người có công cũng bị "ăn chặn" tiền chế độ trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận tại địa phương.

 

Thời gian gần đây, nhiều công dân trên địa bàn xã Nam Hoa có đơn tố cáo gửi đến chính quyền các cấp và Công an xã này phản ánh việc ông Đặng Xuân Chiều, cán bộ thương binh - xã hội có hành vi "vòi tiền" trắng trợn các đối tượng chính sách khi xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ. Vị công bộc này còn ăn chặn cả tiền của đối tượng người có công trên địa bàn xã, với số tiền lớn.

 

Là một trong những người đâm đơn tố cáo, bà Lê Thị Hương (sinh năm 1960, trú tại thôn Hưng nghĩa, xã Nam Hoa) bức xúc: “Khi biết được chế độ của Nhà nước dành cho người tàn tật, khuyết tật thông qua hệ thống truyền thanh xã năm 2012, tôi rất mừng vì chồng tôi là Tạ Văn Phúc và cháu ngoại là Lưu Minh Huyền thuộc đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định. Khi đến gặp ông Đặng Xuân Chiều, cán bộ thương binh-xã hội xã Nam Hoa để hỏi và lấy hồ sơ, tôi được ông Chiều yêu cầu phải nộp tiền nếu muốn suôn sẻ. Với mong muốn cuộc sống sẽ đỡ đi phần nào nếu có được chế độ lâu dài cho cả chồng và cháu, tôi đã đi vay và đưa cho ông Chiều 3 lần tổng cộng 23,5 triệu đồng. Nhận tiền, vị cán bộ xã này hứa sẽ làm chế độ vĩnh viễn cho người thân của tôi. Tuy nhiên, đến quý III/2013 sau một 1 năm hưởng trợ cấp với mức 180.000 đồng/tháng, chồng tôi bị cắt chế độ. Khi tôi có ý kiến thì ông Chiều dọa nếu không cẩn thận sẽ cắt cả chế độ của cháu Huyền. Hoàn cảnh của tôi hiện rất khó khăn, bản thân tôi đang phải điều trị bệnh ung thư ở Bệnh viện K (Hà Nội)”.

 

Ông Đặng Văn Thiệu bức xúc khi nhắc đến việc ông Chiều ăn chặn hơn 40 triệu đồng tiền chính sách của gia đình ông.


Một trường hợp nữa cũng phải "cống nạp" cho ông Chiều dù hoàn cảnh vô cùng éo le. Đó là gia đình ông Lê Văn Kinh (57 tuổi), bà Phùng Thị Gái (55 tuổi) ở thôn Hưng Nghĩa, xã Nam Hoa. Ông Kinh mắc bệnh tâm thần phân liệt 40 năm nay, nhiều hôm bỏ đi lang thang cả đêm khiến gia đình và cả thôn phải đi tìm kiếm. Con gái lớn của ông cũng mắc chứng bệnh như bố đã mất cách đây không lâu vì tai nạn giao thông. Bà Gái thuộc diện vô cùng khó khăn, phải làm thuê đủ thứ việc để nuôi người con út đang học Đại học Hàng hải. Trong khi đó, chồng bà nay đi viện, mai đi viện, tốn kém nhiều, khiến gia cảnh ngày càng cơ cực.

 

Trong đơn khiếu nại, bà Gái cho biết: “Có lần được những người cùng cảnh ngộ chăm người nhà ở bệnh viện tâm thần trên thành phố Nam Định, tôi được biết Nhà nước có chính sách trợ cấp cho người tàn tật, khuyết tật. Tháng 4/2012, tôi làm hồ sơ và nộp cho cán bộ thương binh - xã hội xã Nam Hoa là ông Đặng Xuân Chiều để giải quyết chế độ trợ cấp cho chồng. Thế nhưng chờ mãi, tôi sốt ruột đi hỏi và được ông Chiều trả lời là phải chờ. Mỗi lần gặp, tôi đều phải đưa tiền cho ông Chiều, lúc thì 100 nghìn, lúc 200 nghìn đồng. Đến cuối năm 2013, ông Chiều gọi tôi bảo phải làm lại hồ sơ, rồi nói thiếu cái nọ, thiếu cái kia. Thấy người làng nói không có tiền thì cứ chờ đấy, tôi phải đi vay 2 triệu đưa cho ông Chiều. Ít bữa sau, ông Chiều lại gọi nói phải đưa thêm mới đủ. Tôi lại đi vay thêm 500 nghìn đồng đưa cho ông Chiều. Đưa tiền xong tôi cứ nghĩ chồng mình sẽ sớm được giải quyết nhưng cứ chờ mãi. Vì sốt ruột, con trai tôi là Lê Văn Đô lên Phòng Lao động, Thương binh-Xã hội huyện Nam Trực hỏi thì được biết hồ sơ của chồng tôi vẫn nằm ở dưới xã, dù trường hợp của ông đã được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã xét duyệt từ lâu”.

 

Trong một đơn tố cáo khác, ông Đặng Văn Thiệu là bệnh binh với tỷ lệ mất sức 62% (trú tại thôn Hưng Đễ, xã Nam Hoa) phản ánh, con gái là Đặng Thị Ng (học trường Đại học Quốc gia Hà Nội) trong suốt thời gian học tập chỉ nhận được trợ cấp ưu đãi giáo dục học tập trong 2 năm học đầu (năm học 2009-2010 và 2010-2011) theo quy định của Chính phủ dành cho con của người có công, trong 3 năm học cuối con gái ông không được nhận số tiền trên 40 triệu đồng được thụ hưởng theo quy định. Ông Thiệu có hỏi thì được ông Chiều trả lời do chậm kinh phí nên chưa có. Cẩn thận hơn, ông đích thân lên hỏi Phòng Thương binh-Xã hội huyện Nam Trực thì được chính ông Trưởng phòng nói về xã giải quyết vì Nhà nước chi trợ cấp năm nào xong năm đó, không có chuyện nợ.


Ngoài các trường hợp nói trên, nhiều người dân xã Nam Hoa cũng vô cùng bức xúc trước việc làm sai trái của ông Chiều. Cụ thể, khi tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng, nhất là đối tượng hộ nghèo và người già, ông Chiều thường không phát ngay, mà để trong tủ để vòi tiền đối tượng. Một chuyện nữa khiến ai nghe cũng lắc đầu.

 

Ở thôn Hưng Nghĩa có cụ Lê Văn Hạp (90 tuổi). Theo quy định, cụ được nhận quà (chúc thọ 90 tuổi) của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 26 tháng 12 âm lịch năm 2011, đại diện Hội người cao tuổi xã mang quà của Chủ tịch tỉnh tới tặng cụ Hạp. Nhưng không may ngày 28/12 âm lịch cụ qua đời. Sau Tết năm đó, con cháu cụ Hạp ra xã làm thủ tục giải quyết chế độ mai táng phí, thì bị ông Chiều cắt quà chúc thọ 90 của cụ Hạp dù quà chỉ là 150 nghìn đồng, với lý do cụ chưa đủ tuổi 90.

           

Làm việc với phóng viên TTXVN, ông Ngô Hồng Quỷnh, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Nam Hoa xác nhận Công an xã có tiếp nhận đơn tố cáo của các công dân nêu trên, đồng thời cho biết qua điều tra, xác minh ban đầu đã xác định được những sai phạm của ông Chiều. Ông Quỷnh cho biết: Hiện chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh và sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển Công an huyện Nam Trực điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

 

Hành vi tiêu cực của ông Chiều đã kéo dài từ lâu, song đến nay vẫn chưa bị xem xét xử lý. Dư luận tại địa phương đang hoài nghi phải chăng việc làm sai trái của ông Chiều là có sự bao che hay thông đồng của Chủ tịch UBND xã Nam Hoa Triệu Xuân Hoàng.

                                   

Tin, ảnh: Nguyễn Trường

Cần công khai kết quả thực hiện chính sách với người có công
Cần công khai kết quả thực hiện chính sách với người có công

Chiều 1/8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị giao ban với các bộ, ngành, tổ chức thành viên chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN