Trong những ngày qua, tình trạng ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Chính vì vậy, cuộc họp đã thu hút rất đông phóng viên các cơ quan báo chí.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, tuy nhiên diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe người dân.
Từ các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và 2 trạm quan trắc của Đại sứ quán Pháp, từ năm 2013 đến 2019, các thành phần quan trắc cho thấy bụi mịn gia tăng, còn các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép.
Về những nguyên nhân có thể gây ra ô nhiễm không khí, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ và địa phương đang phân tích và đã nhận diện được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tuy nhiên chưa tìm ra được nguyên nhân chính.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới ô nhiễm không khí là do sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các phương tiện tham gia giao thông. Lượng lớn các phương tiện này xả thải ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Nguyên nhân tiếp theo do Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang trở thành một “đại công trường” với hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường xá bị đào xới. Mật độ xây dựng quá nhiều, chất thải, lượng khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn.
Bên cạnh đó, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 900 nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm: “Riêng ở Hà Nội có một số nguyên nhân khác, đó là tình trạng đốt rơm rạ. Đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, tôi không ngờ con số lại lớn như vậy”.
Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra và gấp rút xử lý cả tình trạng đốt chất thải nguy hại tại các địa phương. Bởi việc đốt rơm rạ, đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội cũng khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực, lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hàng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân. Nếu chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại cần ngay lập tức có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đồng thời, Hà Nội cần có ngay kế hoạch tiến hành phun nước rửa đường định kỳ hàng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí, khuyến cáo người dân hạn chế và bỏ sử dụng bếp than tổ ong.
Biện pháp lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các Bộ, ngành sẽ phối hợp hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh hơn lộ trình kiểm soát xử lý ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý chất lượng không khí.
Về công nghệ tái chế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng không có chuyện rác thải xây dựng không được tái chế, mà cần phải có lộ trình quản lý tái chế; kiểm soát việc này tương đối bài bản đối với phương tiện cơ giới.