Đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc trong nhân dân, song trên thực tế không thể giải quyết bằng một vài biện pháp và thực hiện trong thời gian ngắn, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho rằng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, trong đó có 3 vấn đề khó giải quyết, xử lý đó là: ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước.
Đây là những vấn đề không thể giải quyết bằng một vài biện pháp hay một vài cơ quan, bài toán giải quyết là vấn đề xã hội lớn. Để giải quyết được ô nhiễm môi trường không khí, Hà Nội cần quản lý tốt nguồn phát thải như: vấn đề giao thông; nguồn rác thải lớn; các dạng đốt cháy ngoài trời; các công trình xây dựng lớn trên địa bàn - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, mỗi phường, xã trên địa bàn thành phố cần xây dựng phân loại rác tại nguồn, đồng thời các khu vực trong khu dân cư cần phải dọn rác mỗi ngày 1 lần để hạn chế rác thải phát thải ra môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm giữ sạch địa bàn, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, công tác tuyên truyền được tập trung triển khai. Vấn đề xanh, sạch, đẹp được triển khai đến từng tổ dân phố với việc xây dựng kế hoạch chuyên đề để tuyên truyền, huy động sự tham gia của các câu lạc bộ trên từng địa bàn. Mặt khác, quận Long Biên giao trách nhiệm cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy để vào thu dọn vệ sinh cùng người dân, cũng như giám sát các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.
"Quận Long Biên giao trách nhiệm cho chính chủ tịch UBND phường, nếu để rác thải phát sinh, vật liệu xây dựng đổ không có chủ, lãnh đạo phường phải tổ chức dọn khối lượng rác thải phát sinh đó", ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu 12 nguyên nhân, trong đó phải kể đến khí thải của các phương tiện giao thông tập trung cao tại khu đô thị; do một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong; hoạt động đốt rơm rạ; phá dỡ công trình xây dựng cũ để xây dựng mới; vận chuyển vật liệu xây dựng; khí thải từ trại chăn nuôi; từ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt; ô nhiễm ao hồ, bùn thải; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và tỉnh lân cận...
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường, đại diện sở Giáo dục và Đào tạo thành phố kiến nghị trong những ngày ô nhiễm không khí tới mức nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần chủ động thông tin sớm để ngành Giáo dục kịp thời đưa ra các phương án trong dạy và học.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Trước mắt, thành phố yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50 - 70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí, môi trường nước. Mặt khác, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị phối hợp xử lý xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi; vấn đề cấm hoạt động của bếp than tổ; vấn đề trách nhiệm của các công ty vệ sinh môi trường trong thu gom xử lý rác... Đặc biệt, Sở Xây dựng, các quận huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ trên địa bàn.
Với tốc độ phát triển đô thị nhanh, kéo theo dân số cơ học tăng, bình quân mỗi năm Hà Nội có thêm 160.000 người. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, đồng lòng của người dân mới giải quyết được. Bắt đầu từ thứ thứ Bảy, Chủ nhật tuần này, các quận, huyện, thị xã, phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường và duy trì phong trào này thường xuyên; bên cạnh đó tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, đặc biệt là đốt rác tại các làng nghề. Song song đó, thành phố sẽ xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết về chế tài xử phạt nặng, cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm; ban hành định mức thu liên quan xả thải làng nghề, hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn Hà Nội xuất hiện 6 đợt không khí có chất lượng ở mức kém, xấu và rất xấu. Trong đó cao điểm nhất là từ mùng 8 đến 14/12 chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu. Ghi nhận tại các địa phương: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thường Tín..., cùng một số tuyến đường vành đai, xuất hiện khá nhiều bụi cát rơi vãi trên đường. Vào buổi chiều tối, tại một số cánh đồng, khu vực xa khu dân cư, xuất hiện không ít cột khói đen do người dân đốt rơm rạ, vải vụn khiến cho không khí càng trở nên ô nhiễm và ngột ngạt.