Bộ LĐTBXH đề nghị tỉnh Gia Lai xử lý nghiêm vụ bạo hành người làm công

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị Chủ tịch tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai, nắm bắt thông tin chị Y Nhiêu (23 tuổi), dân tộc Giẻ-Triêng (trú quán tại tỉnh Kon Tum) đi làm thuê cho một chủ nhà ở phường Thống Nhất, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên bị chủ nhà bạo hành gây thương tật, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi bạo hành thân thể chị Y Nhiêu.


Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao Giám đốc Sở LĐTBXH Kon Tum đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Y Nhiêu tại tỉnh Kon Tum.


Trước đó, một số cơ quan báo chí thông tin chị Y Nhiêu, dân tộc Giẻ Triêng, 23 tuổi, trú tại làng Pêng Siêl, xã Đak Pét(huyện Đăk Glei, Kon Tum) do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tháng 9/2014, Y Nhiêu theo bạn bè sang tỉnh Gia Lai làm thuê cho người tổ chức đám cưới tại địa bàn tổ 3, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku.


Sau một thời gian, chị Y Nhiêu được bà Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga), tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku gọi về làm việc nhà, dọn dẹp, nấu cơm, mỗi tháng trả 3,5 triệu đồng. Ban đầu, hai vợ chồng bà Nga đối xử tử tế với chị nhưng về sau chị sống ở đây như sống trong địa ngục, mỗi lần bà Hà phê ma túy, lên cơn đều hành hạ chị Y Nhiêu.


Chị Y Nhiêu thường xuyên bị bà này đánh đập hành hạ. Đỉnh điểm những trận đòn roi xảy ra khoảng đầu tháng 6/2018 vừa qua khi bà Nga kêu mất hơn 1 tỷ đồng trong nhà. Mặc dù khẳng định không lấy và liên tục kêu oan, song chị  Y Nhiêu bị bà Nga sử dụng nhiều cực hình hành hạ, như: lấy cây sắt, kiếm đập lên đầu, lên người; lấy bàn ủi ủi lên người; lấy dao lam rạch mặt; lấy búa đập vào ngón tay; đóng đinh vào cây đập lên người...


Đến ngày 23/7, theo đại diện Sở LĐTBXH Gia Lai, chị Y Nhiêu đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei trong tình trạng đa chấn thương và đã đến Công an phường Thống Nhất (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) trình báo sự việc. Sở LĐTBXH cũng đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ pháp lý khi chị Y Nhiêu có yêu cầu.


Theo các luật sư, sự việc hành hạ người làm công báo chí phản ánh có dấu hiệu của tội "Hành hạ người khác" hoặc tội "Cố ý gây thương tích". Mức xử phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ và tỷ lệ thương tật. Ở mức phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

PV/Báo Tin tức
Công tác chăm lo đời sống người có công ngày càng tốt hơn
Công tác chăm lo đời sống người có công ngày càng tốt hơn

Chính sách ưu đãi người có công (NCC) là một chính sách lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với mục tiêu đảm bảo đời sống người có công (NCC) bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN