Bộ đội giúp dân đối phó 'giặc' bão

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã huy động 350 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tăng cường cho các huyện Phú Lộc và Nam Đông phát quang cây cối để thông đường và dựng lại nhà cửa, từng bước khắc phục hậu quả sau bão số 11.

Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 11.


Đại tá Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Vẫn xác định công tác huấn luyện là chủ yếu, nhưng chống bão cũng như chống giặc, nên lực lượng bộ đội ứng trực trong bão tại các địa bàn xung yếu, nay vẫn duy trì tại địa bàn để giúp dân dựng lại nhà cửa, nhanh chóng ổn định đời sống".

Ngay khi tâm bão vừa đi qua, mặc dù trong mưa to gió lớn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều động về các xã Hương Hòa, Hương Hữu, và thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) giúp dân dựng lại phần lớn diện tích cây cao su bị đổ (trừ cây gãy) có thể phục hồi lại được. Anh Cao Viết Hùng, ở thôn 9, xã Hương Hòa nói trong xúc động, nếu không có các chú bộ đội giúp sức thì số cây cao su bị đổ gia đình không thể làm gì được, vì cây rất nặng, phải cần nhiều người mới dựng dựng lại.

Đối với di dân trong bão và sạt lở vùng ven biển, vùng đầm phá và ven sông, hình ảnh các chiến sĩ bộ đội lăn lộn trong thiên tai càng làm người dân vững lòng hơn.

Trong mưa bão, khi một đoạn đê biển dài 200m tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà bị sạt lở do sóng biển và triều cường dân cao, Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời huy động 50 chiến sĩ sử dụng hơn 300 bao cát, 50 rọ sắt và xe chuyên dụng để hàn lấp không cho nước biển xé thành cửa biển mới tại đây.

Tổng hợp nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiến cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến sáng 16/10 cho biết: Toàn tỉnh có 1 người mất tích do bị lũ cuốn trôi, 11 người bị thương; có 17 nhà tạm bị sập, 669 nhà ở của dân và 4 phòng học bị tốc mái.

Nặng nhất là huyện Phú Lộc, nằm ở phía Nam tỉnh, giáp với Đà Nẵng, với 108 ngôi nhà bị tốc mái, 3 ngôi nhà bị sập, hàng trăm ngôi nhà khác của nhân dân bị ngập trong nước. Toàn huyện cũng đã có hàng chục ha hồ tôm của người dân bị vỡ; nhiều cây cối bị đổ ngã... Tại huyện miền núi Nam Đông cũng đã có tới 170 ha cao su và 390 ha cây keo lai trồng rừng kinh tế bị gãy đổ do bão.

Bão kết hợp với triều cường đã gây ngập lụt cho một số vùng, với 1.686 nhà bị ngập; trong đó, thị xã Hương Trà có 450 nhà bị ngập, huyện Phong Điền 350 nhà, Quảng Điền 756 nhà và Phú Vang 130 nhà bị ngập lụt.

Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bão 11 làm gãy đổ 22 trụ điện, chủ yếu tại huyện Phong Điền, Phú Lộc, và Hương Trà; trong đó, có 2.000m dây điện bị đứt tại huyện Phú Lộc; toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc, ALưới, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và khu vực phía Bắc thành phố Huế mất điện hoàn toàn, đến tối 15/10 mới cấp điện trở lại.

Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân công lãnh đạo xuống các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 11...



Tin, ảnh: Quốc Việt
9 người chết và mất tích do bão số 11
9 người chết và mất tích do bão số 11

Theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 4 người chết tại Quảng Nam và Đà Nẵng, 5 người mất tích ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, 69 người bị thương tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Nghệ An do sập cửa nhà và cây đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN