Bộ đội Biên phòng kiên cường trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Căng mình chống dịch trên toàn tuyến

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Phụ trách Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp trong BĐBP, Đảng ủy BĐBP ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại Biên phòng các tỉnh; chỉ đạo tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với các đường dây đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép…

Chú thích ảnh
Cán bộ đồn Biên phòng Cà Ròong (Quảng Bình) kiểm tra nghiêm ngặt người, phương tiện qua lại địa bàn khu vực biên giới.Ảnh: TTXVN phát.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh 416 tại Đà Nẵng và có thông tin phát hiện về 21 đối tượng người nước ngoài có dấu hiệu nhập cảnh trái phép bị Công an và BĐBP tỉnh Quảng Nam bắt giữ, khởi tố ngày 25/7/2020. Ngày 26/7/2020, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức họp khẩn cấp, đồng chí Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo: Từ 16 giờ, ngày 26/7/2020, kích hoạt toàn bộ quy trình phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai áp dụng ngay một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng.  

Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động tăng cường 241 cán bộ, học viên Học viện Biên phòng cho các tỉnh trọng điểm Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn và Cao Bằng. Tổ chức 10 Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch và tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở biên giới; công tác đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới; phân công lực lượng tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phòng, chống dịch, xác minh thông tin về việc BĐBP có hay không biểu hiện buông lỏng trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập và thường xuyên duy trì 1.608 tổ, chốt/9.791 người; tổ chức điều động tăng cường lực lượng, phương tiện từ tuyến sau cho các tuyến biên giới. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các lực lượng và cơ quan chức năng phân luồng xuất nhập cảnh, thực hiện tiếp nhận công dân Việt Nam tại các cửa khẩu, hướng dẫn kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, thống kê, phân loại, bàn giao 65.447 người cho các lực lượng vận chuyển về các địa điểm tập kết cách ly theo quy định.

Trong công tác tổ chức đấu tranh với các đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, BĐBP đã triển khai 11 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh 10 chuyên án; khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 41 vụ/81 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 348 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; xử phạt vi phạm hành chính 1.721 người; phối hợp với các lực lượng nhập cảnh cho các trường hợp là người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, các trường hợp đặc biệt khác như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, lưu học sinh Lào, Campuchia và lý do nhân đạo khẩn cấp và giải quyết cho thuyền viên nước ngoài nhập cảnh để hồi hương qua cửa khẩu khác...

Đến ngày 7/8/2020 đã có 663 người sử dụng hộ chiếu ngoại, công vụ và 16.293 người nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý.

“Chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ’, Thiếu tướng Lê Đức Thái cho biết.

Mặc dù vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, quy mô lớn, tác động mạnh đến toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như công tác quản lý, kiểm soát biên giới, cửa khẩu nên quá trình phối hợp giữa các lực lượng triển khai thực hiện phòng, chống dịch giai đoạn đầu còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Biên giới trên đất liền dài 5.032 km, biên giới mở, khu vực biên giới rộng, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch, trong khi lực lượng chức năng mỏng nên việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở biên giới gặp nhiều khó khăn.

Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những thắng lợi ban đầu, sau 99 ngày nước ta không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng nên xuất hiện tư tưởng chủ quan của một bộ phận quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới; do nhận thức pháp luật hạn chế và đời sống khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số hai bên biên giới, đã môi giới, tiếp tay, dẫn đường cho người xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, sông suối, kênh rạch trên biên giới.

Trang cấp đầy đủ thiết bị y tế phòng dịch

Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, công tác hậu cần luôn được bảo đảm vật tư, hóa chất phòng dịch, thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” chủ động khai thác các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng kinh phí đã chi cho công tác phòng, chống dịch là hơn 84 tỷ đồng. Phối hợp với Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 3.277 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên biên giới; đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19 trong BĐBP.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 số 4 - Đồn Biên phòng Lạc Quới (BĐBP An Giang) tuần tra, kiểm soát biên giới. Ảnh: Công Mạo/TTXVN.

Trước diễn biễn tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Thiếu tướng Lê Đức Thái đề nghị, Bộ Y tế và Bộ Tài chính trang cấp đầy đủ thiết bị y tế phòng dịch cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới, cửa khẩu; đồng thời, quan tâm và đảm bảo chế độ, chính sách phù hợp đối với các lực lượng trên, nhất là lực lượng chốt chặn, kiểm soát trên biên giới, cửa khẩu.

Trước những kiến nghị trên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho rằng: “Những đề xuất của BĐBP tôi thấy rất hợp lý, rất chính xác”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho rằng, BĐBP là những người trên tuyến đầu của quân đội nơi biên giới. Những người lính biên phòng không chỉ làm tốt công tác ngăn chặn người vượt biên trái phép, mà còn kiểm soát biên giới; phối hợp rất tốt với nhân dân và chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh.  

Đã hơn 8 tháng liên tục những lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng luôn phải “ăn rừng, ngủ lán”, nhường doanh trại cho nhân dân đến cách ly, thực hiện tốt nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Kiểm soát, tuần tra, quản lý chặt chẽ các đường mòn, lối mở ở biên giới...

“Tôi đề xuất với Chính phủ chỉ đạo quyết liệt chính quyền địa phương phối hợp thật tốt với quân đội, trực tiếp là BĐBP tại địa bàn tuyên truyền và vận động nhân dân làm tốt công tác kiểm soát biên giới, phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt, hiệu quả. Ngành quân y luôn sẵn sang chia sẻ với BĐBP bảo đảm đủ vật tư y tế cho bộ đội chống dịch”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiến cho hay.

Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Các chốt Bộ đội Biên phòng ngập nước căng mình chống dịch COVID-19 và mưa lũ
Các chốt Bộ đội Biên phòng ngập nước căng mình chống dịch COVID-19 và mưa lũ

Trong lúc các chốt biên phòng của Bộ đội biên phòng các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh… căng mình chống dịch COVID-19 và hậu quả mưa lũ; thì trận mưa, lũ sáng 17/8 xảy ra trên địa bàn xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) lại tiếp tục gây thiệt nặng về tài sản của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN