Chúng tôi đến xã Thuận Hòa - xã miền núi phía Bắc của huyện Hàm Thuận Bắc vào một ngày giữa tháng 4, cái nóng gay gắt, oi bức như muốn cháy da người. Ở đây, câu chuyện về nước chưa bao giờ “hạ nhiệt”, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về giá nước, về nước giếng bơm lên nổi bọt trắng xóa và ước mơ có nhà máy nước sạch…
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Ngụ, về sinh sống ở tổ 3, thôn Dân trí, xã Thuận Hòa hơn 24 năm. Ông Ngụ cho biết: Cứ mỗi năm trôi qua tình trạng thiếu nước càng trở nên gay gắt hơn, khu vực này rất khó để khoan giếng.
Để khoan giếng, chi phí ít nhất khoảng 20 - 40 triệu đồng... nhưng rất khó đào trúng mạch nước. Thậm chí có gia đình khoan tận 70 mét đất nhưng vẫn không có nước hoặc có thì nước cũng nhiễm vôi. Nguồn nước này không thể dùng nấu ăn, sinh hoạt được.
Biết trước sẽ thiếu nước nên gia đình trữ nước mưa để dùng nhưng cũng chỉ vài tuần là hết. Hết nước dự trữ, gia đình phải mua nước chở từ nơi khác đến với giá 10.000 đồng/bình nước uống và 60.000 - 120.000 nghìn đồng/m3 nước sinh hoạt.
Ở đây chuyện đi mượn từng xô nước, chai nước của hàng xóm cũng giống như mượn tiền, mượn gạo vậy. Còn việc tái sử dụng nước theo kiểu nước rửa rau giữ lại để rửa chén, giặt đồ là chuyện thường ngày.
Ông Nguyễn Thanh, ngụ tổ 7, thôn Dân trí cho biết, tình trạng nắng nóng còn kéo dài và vẫn chưa có mưa nên để cầm cự qua hết mùa khô, gia đình ông dùng nước rất tiết kiệm. Theo ông Nguyễn Thanh, nguồn nước chính mà bà con địa phương sử dụng để sinh hoạt hàng ngày là nước mưa và nước giếng.
Năm nay, thời tiết khô hạn hơn nên tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng. Từ khoảng tháng 12 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu khô hanh, nguồn nước ở các giếng bắt đầu cạn kiệt và từ tháng 2 âm lịch tới nay tình trạng này trở nên gay gắt. Trước đây mỗi ngày hai vợ chồng ông dùng khoảng 200 lít nước/ngày thì giờ chỉ dùng khoảng 90 lít và ưu tiên cho nước uống, nấu ăn.
Bà Lê Thị Hòa - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa thừa nhận tình trạng thiếu nước sạch từ nhiều năm qua. Đây cũng “điểm nghẽn” trong việc thực hiện tiêu chí 17 về nông thôn mới của địa phương giai đoạn 2016-2020 (tiêu chí số 17 về môi trường trong đó có nội dung về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia).
Toàn xã Thuận Hòa hiện có 1.702 hộ với 6.380 khẩu. Đến nay người dân xã Thuận Hòa chưa được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo quy định. Gần đây nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân.
Toàn xã có khoảng 340 hộ dân phải mua nước sinh hoạt với giá từ 60.000 – 120.000 đồng/m3 tùy vào khoảng cách vận chuyển. Thôn Dân Trí là nơi có nhiều hộ dân thiếu nước nhất với gần 50% dân số phải mua nước sinh hoạt (270 hộ).
Bà Lê Thị Hòa - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết thêm: Trước tình trạng thiếu nước, xã Thuận Hòa huy động nhiều nguồn đầu tư, xây dựng được 32 giếng khoan và giếng đào để phục vụ người dân. Chương trình phát triển vùng Tầm nhìn thế giới đã đầu tư hệ thống lọc nước tại khu dân cư Sông Quao (xã Thuận Hòa) phục vụ hơn 50 hộ dân.
Tuy nhiên, vào cuối mùa khô, lượng nước trong các giếng dần cạn kiệt và đa số giếng nước đều bị nhiễm vôi, phèn. Hệ thống lọc nước cũng không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh (nước lọc rồi nhưng còn rất đục) nên người dân buộc phải mua nước từ các nhà xe vận chuyển đến để dùng cho ăn, uống...
Để nhân dân xã Thuận Hòa có nguồn nước sinh hoạt ổn định và xã thực hiện đạt tiêu chí 17 về nông thôn mới, UBND xã Thuận Hòa đã đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận sớm khởi công xây dựng Nhà máy nước Sông Quao.
Thiếu nước sản xuất, thiếu nguồn nước sạch từ nhiều năm qua chính là một trong những nguyên nhân khiến Thuận Hòa chậm phát triển. Không những vậy, việc thiếu nước sạch để sinh hoạt còn dẫn tới những nguy cơ về dịch bệnh, nhất là bệnh mùa hè và vệ sinh môi trường sống xung quanh.