Chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong là “của ngõ” của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Ninh Thuận, có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khống chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thương, Tổ phó chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại xã Vĩnh Tân cho biết, lực lượng trực tại chốt đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn, các sản phẩm của lợn ra vào địa bàn tỉnh. Từ lúc thành lập chốt (ngày 8/3) đến ngày 12/3, chốt kiểm dịch Vĩnh Tân đã tổ đã dừng và kiểm tra 17 xe chở gia súc, gia cầm; trong đó, có 14 xe chở lợn với tổng số lượng 1.154 con. Qua kiểm tra, các phương tiện đều chấp hành tốt khai báo với chốt để thực hiện kiểm dịch, chưa có xe vi phạm cũng như phát hiện dịch bệnh. Các xe ra, vào tỉnh qua chốt đều được phun thuốc sát trùng theo quy định.
Ông Lê Tuấn Phong đã yêu cầu chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại xã Vĩnh Tân tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt khâu kiểm tra, kiểm soát, vận chuyển lợn ra vào tỉnh. Chính quyền địa phương cùng ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về chốt kiểm dịch động vật tạm thời để các chủ xe chấp hành kiểm dịch. Bên cạnh đó, ngoài việc đảm bảo lực lượng trực tại chỗ, không được chủ quan, lơ là, chốt kiểm dịch động vật tại xã Vĩnh Tân phải đảm bảo đủ vật tư, hoá chất để khử trùng cho các xe ra, vào tỉnh.
Để ngăn chăn dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại xã Tân Đức (huyện Hàm Tân) và xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong). Bên cạnh đó, 5 chốt kiểm dịch tạm thời cũng được thành lập tại 5 huyện tiếp giáp với các tỉnh như: huyện Bắc Bình (giáp ranh tỉnh Lâm Đồng); huyện Hàm Thuận Bắc (giáp ranh tỉnh Lâm Đồng); huyện Hàm Tân (giáp ranh tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu); huyện Tánh Linh (giáp ranh tỉnh Đồng Nai), huyện Đức Linh (giáp ranh Đồng Nai).
Các địa phương trong tỉnh cũng khẩn trương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động chăn nuôi. Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Đến nay, các địa phương đã phun khử trùng được 1.293 lít thuốc sát trùng…