Bình Dương phản hồi tình trạng ngập úng tại ngã ba Cống

Tình trạng ngập lụt kéo dài tại khu vực ngã ba Cống, đường Thích Quảng Đức, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã trở thành một vấn đề nổi cộm mỗi khi mưa lớn xảy ra.

Chú thích ảnh
Người dân phải dùng thuyền để di chuyển tại khu vực ngã ba cống trên đường Thích Quảng Đức, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Hình ảnh người dân chèo thuyền qua khu vực này sau cơn mưa ngày 13/10/2024 nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và báo chí đưa tin đã gây xôn xao dư luận. Vụ việc đã đặt ra câu hỏi về tiến độ thi công các dự án chống ngập và làm gì để không phải đi thuyền trên phố sau mưa tại Bình Dương?

Liên quan đến tình trạng ngập úng tại ngã ba Cống, Ban Quản lý Dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương đã phản hồi về tình hình thi công.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước tại khu vực này đã được phê duyệt từ năm 2021 và khởi công vào ngày 19/5/2023. Dự án có tổng chiều dài 795,63m, bao gồm hai tuyến kênh chính từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên.

Theo Ban Quản lý Dự án, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 82% khối lượng thi công. Một số hạng mục quan trọng như cống qua đường Thích Quảng Đức và cầu Bà Hên đã được hoàn thành. Đặc biệt, tuyến kênh hộp dài 370m từ nhà hàng Thắng Lợi đến cống Thích Quảng Đức và 250m kênh chính rạch Thầy Năng đã được xây dựng, chiếm 77% so với thiết kế. Tuy nhiên, dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng.

Một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án là việc một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, làm trì hoãn thi công 35m của tuyến kênh chính rạch Thầy Năng. Ngoài ra, điều kiện địa chất yếu, không có đường vận chuyển vật liệu và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật tồn tại trong khu vực cũng khiến cho quá trình thi công gặp nhiều phức tạp. Để duy trì tiến độ, đơn vị thi công phải thực hiện từng đoạn nhỏ, vừa thi công vừa đảm bảo thoát nước cho khu vực, đồng thời di dời các công trình hạ tầng mà không gây gián đoạn điện, nước và hệ thống thoát nước thải.

Trong cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ vào ngày 13/10/2024 với lượng mưa trên 60mm, khu vực ngã ba Cống đã ngập sâu, khiến nước dâng cao trung bình 50cm trên đường Thích Quảng Đức và tràn vào nhà dân, gây thiệt hại về tài sản. Một số tuyến đường lân cận như Phan Đình Giót cũng bị ngập với mực nước trung bình 20cm.

Chú thích ảnh
Cơn mưa tối 13/10 đã làm ngập quốc lộ 1K, đoạn qua thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, ảnh hưởng đến giao thông. Ảnh: TTXVN phát

Ban Quản lý Dự án xác định nguyên nhân chính của tình trạng ngập là do hệ thống thoát nước hiện tại chưa đáp ứng đủ khi gặp lượng mưa lớn. Đoạn kênh chính rạch Thầy Năng dài 2,1km, chỉ mới hoàn thành một phần nên chưa thể phát huy hết hiệu quả thoát nước. Hơn nữa, hai nút thắt dòng chảy tại các đoạn kênh chưa hoàn thành đã gây cản trở dòng nước, khiến ngập lụt cục bộ xảy ra.

Ngay sau khi mưa lớn gây ngập, Ban Quản lý Dự án đã triển khai các biện pháp khắc phục, huy động máy móc để khơi thông dòng chảy và phối hợp với chính quyền địa phương để phong tỏa các tuyến đường ngập nước. Sau khi nước rút, các đơn vị đã hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa và khắc phục thiệt hại.

Dự án cải thiện thoát nước tại ngã ba Cống là một trong những nỗ lực của tỉnh Bình Dương nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt kéo dài ở khu vực này. Mặc dù tiến độ thi công bị chậm trễ do các yếu tố khách quan như vướng mắc về mặt bằng, chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2024, mang lại giải pháp thoát nước bền vững cho khu vực.

Trong chuyến kiểm tra tình hình triển khai dự án thoát nước chống ngập ngã ba Cống vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Ông nhấn mạnh rằng việc giải quyết tình trạng ngập lụt là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho người dân trong khu vực, đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ngập tại khu vực nêu trên.

Trước đó, như phóng viên TTXVN phản ánh, trận mưa lớn ngày 13/10 đã gây ngập úng nghiêm trọng tại nhiều khu vực của Bình Dương, trong đó đặc biệt là ngã ba Cống trên đường Thích Quảng Đức, thành phố Thủ Dầu Một. Lượng mưa đo được từ 28,6mm đến 57,2mm, kết hợp với triều cường trên sông Sài Gòn đạt đỉnh 1,64m vào sáng 14/10, vượt mức báo động III. Hệ quả là nước ngập sâu và người dân ở khu vực ngã ba Cống đã phải dùng thuyền để di chuyển qua các điểm ngập nặng.

Không chỉ có ngã ba Cống, một số tuyến đường khác như Đoàn Trần Nghiệp (giao với Hai Bà Trưng) và Nguyễn Tri Phương tại phường Chánh Nghĩa cũng ngập sâu đến 0,6m, gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Theo Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, tình trạng ngập úng kéo dài là do chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công hệ thống thoát nước.

Tình trạng này cảnh báo về sự quá tải của hệ thống thoát nước hiện tại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Bình Dương.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Thời tiết đêm 20/10: Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa cục bộ cường suất lớn
Thời tiết đêm 20/10: Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa cục bộ cường suất lớn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 20/10 đến ngày 22/10, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 40 - 90mm, có nơi trên 150mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (trên 100mm trong 6 tiếng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN