Ông Dương Tấn Sinh, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh cho biết, đây là những đoạn đường có khối lượng đất đá đổ xuống lòng đường với khối lượng lên đến hàng nghìn m3. Vì vậy, với khả năng và phương tiện của các đơn vị trên địa bàn huyện không thể giải quyết được, huyện đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải có phương án thuê máy móc cỡ lớn và kể cả phải dùng mìn phá vỡ các khối đá ước tính hàng trăm mét khối đang nằm chắn trên lòng đường, để san ủi giải phóng lòng đường.
Mặt đường quốc lộ 1 đoạn đi qua thị trấn Diêu Trì, Bình Định bị rạn nứt, bong tróc sau lũ. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN |
Tại địa phận thôn K6 xã Vĩnh Kim, mưa lũ đã làm trôi một đoạn đường trên tuyến Vĩnh Kim đi Vĩnh Sơn với chiều dài gần 20 m. Tại đây, nhiều xe máy của Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Vĩnh Sơn đang vận chuyển đất đá và hàn khẩu các cống dẫn nước qua đường.
Ông Nghiêm Xuân Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh và huyện ngay sau khi ngớt mưa lũ, đơn vị đã huy động xe máy vận chuyển đất sỏi đá đến hàn khẩu lại đoạn đường bị trôi. Tuy nhiên, việc lấy đất sỏi đá ở rất xa, đến chiều tối 10/11 mới san lấp cơ bản để cho thông xe tạm thời.
Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết, Sở đã lên kiểm tra hiện trường và đã chỉ đạo huyện và các đơn vị biện pháp trước mắt là huy động phương tiện xe máy lớn kịp thời giải phóng lòng đường để người dân đi lại. Về lâu dài, Sở sẽ khảo sát lại các điểm sạt lở nặng trên toàn tuyến và kiến nghị UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục các đoạn sạt lở này.