Cầu Bù Nú, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân bị nước lũ làm sập, giao thông bị chia cắt. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tỉnh Bình Định cho biết, đến chiều 4/11 nước ở các sông chính sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh và Lại Giang, khu vực hạ du đã rút xuống nhưng vẫn còn dao động ở mức báo động 2. Tuy nhiên nhiều khu dân cư vùng trũng thuộc huyện Tuy Phước vẫn bị ngập và cô lập.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng và địa phương trong tỉnh trong thời gian này dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu lũ lụt, sớm ổn định đời sống sản xuất của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang, mặc dù nước đã rút xuống, nhưng các tuyến đường chính ĐT 640 từ Trung tâm huyện xuống các xã Phước Thắng, Phước Thuận; tuyến ĐT 636 B từ thị trấn Bình Định đi Gò Bồi; tuyến ĐH 42 từ thị trấn đi về các xã Phước Quang, Phước Nghĩa… vẫn bị chia cắt do sạt lở nặng và rất nguy hiểm.
Tính đến chiều 4/11 có tổng cộng 116 ngôi nhà bị hư hỏng. Lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra và thống kê thiệt hại về tài sản của nhà nước và người dân địa phương; chuẩn bị các phương tiện để khắc phục hậu quả khi nước lũ rút hết.
Tại Hoài Ân - địa phương bị thiệt hại nặng nhất, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện cho biết: mưa lũ đã làm cuốn trôi nhiều công trình cầu cống huyết mạch trên địa bàn huyện; trong đó có 5 cầu bê tông cốt thép bị nước lũ cuốn sập, nhiều nhà dân bị tốc mái, bùn đất vùi lấp…; thiệt hại ban đầu ước tính trên 45 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả mưa lũ từ ngày 3-4/11, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lực lượng đến giúp dân dọn dẹp nhà cửa và cây cối bị ngã đổ. Ưu tiên hàng đầu của huyện hiện nay là tìm các phương án nối lại các tuyến đường giao thông bị lũ chia cắt để đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, đợt mưa lũ này đã làm sạt lở 14 đoạn đường với khối lượng đất đá bồi lấp trên 1.000 m3 từ tuyến đường huyết mạch thị trấn lên xã vùng cao Vĩnh Sơn; đoạn từ Vĩnh Kim đi Vĩnh Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Huyện đã huy động lực lượng và đề nghị các đơn vị Nhà máy thuỷ điện trên địa bàn huy động phương tiện giải phóng đất đá trên mặt đường và những đoạn bị sạt lở nặng; kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh hỗ trợ lắp đặt cầu sắt để giải phóng nhu cầu đi lại cho người dân các làng 02, Kon Trú…
Để chia sẻ khó khăn của người dân vùng lũ, ông Lê Phong, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, từ ngày 3-4/11, Hội đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và trao gần 200 suất quà cứu trợ cho những gia đình nghèo có nhà bị sập hoàn toàn tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Nhơn, đặc biệt là thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) đến nay vẫn bị ngập lụt và cô lập.