Bài 1: Từ chính sách tới thực tiễn
Chính sách nhân văn, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử về bình đẳng giới đã khiến cho sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta đạt nhiều kết quả, thể hiện qua những con số cụ thể.
Bình đẳng giới - quyền hiến định
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngày 2/9/1945 thì ngay Hiến pháp năm 1946 (bản hiến pháp đầu tiên) đã quy định về quyền bình đẳng giới. Điều 9 của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”.
Trong bản Hiến pháp năm 1959 quyền và nghĩa vụ của phụ nữ được xác định rõ ràng. Điều 24, Chương 3 của Hiến pháp năm 1959 quy định: Phụ nữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.
Trong bản Hiến pháp năm 1980 quyền của phụ nữ vừa được lồng vào các quyền cơ bản của công dân, vừa được quy định riêng nhằm tạo ra những điểm nhấn quan trọng, khẳng định quyền của phụ nữ. Điều 55 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Đây là quy định chung nhất cho tất cả các giới tính, thể hiện sự không phân biệt trước xã hội. Điều 57 quy định: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam - nữ, thành phần xã hội…. từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp” (các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương).
Điều 63 nêu rõ: “Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nhà nước và xã hội chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ. Phụ nữ và nam giới việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Phụ nữ có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương nếu là công nhân, viên chức, hoặc hưởng phụ cấp sinh đẻ nếu là xã viên hợp tác xã. Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập và nghỉ ngơi”.
Điều 65 nhấn mạnh: “Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng… Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”.
Trong bản Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) các quy định trên cơ bản được giữ nguyên.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới được ban hành vào năm 2006. Theo đó, các quyền của phụ nữ Việt Nam được quy định đầy đủ, cụ thể và toàn diện hơn. Các đạo luật và các văn bản pháp luật khác được ban hành ngày càng cụ thể hóa hơn các quy định của Hiến pháp về quyền của phụ nữ, trong đó nổi bật nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006, năm 2014), Luật Cư trú (năm 2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Quốc tịch (năm 2008), Bộ Luật Lao động (năm 2005, năm 2012), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000, năm 2014)...
Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của các bản Hiến pháp trước. Các quy định từ Điều 14 đến Điều 49, Chương II - Hiến pháp năm 2013 đã quy định các quyền con người, quyền công dân, trong đó quyền của phụ nữ.
Với tư cách công dân, phụ nữ có các quyền như sau:
Quyền chính trị, bao gồm: Bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16); Tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); Bầu cử khi đủ mười tám tuổi trở lên, ứng cử khi đủ hai mươi mốt tuổi trở lên vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 27); Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (đối với công dân đủ 18 tuổi trở lên) (Điều 29); Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25); Tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Khoản 1, Điều 24); Khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 30);
Quyền dân sự bao gồm: Quyền sống, tính mạng được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật (Điều 19); Bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1, Điều 20); Có nơi ở hợp pháp (Khoản 1, Điều 22). Không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 2, Điều 17); Sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp và trong các tổ chức kinh tế khác (Khoản 1, Điều 32). Sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (Khoản 2, Điều 32)…
Quyền về kinh tế, lao động và việc làm; Quyền về văn hóa, giáo dục; Quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp…
Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có các quyền như: Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2, Điều 26). Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36). Được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).
Như vậy, xét trong mối tương quan với nam giới, các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm phụ nữ “được bình đẳng và có ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật, xóa bỏ sự phân biệt đối xử. Song cũng có những quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Cụ thể: Bộ luật Lao động có hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp…
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đảm bảo (có tính đến yếu tố đặc thù của giới) để phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động. Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp); nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương; dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu.
Những con số biết nói
Quốc hội Việt Nam khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 499 đại biểu, trong đó có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%), là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây có số đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%.
Tại Quốc hội khóa I, chỉ với 10 đại biểu nữ (chiếm 3%) các nữ đại biểu đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, bà Lê Thị Xuyến đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội. Đến năm 1950, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, bà được bầu làm Hội trưởng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, bà Lê Thị Xuyến đã đảm nhiệm cùng lúc cả hai vị trí: Ủy viên Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thập là một trong mười nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Trong 18 năm bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bà được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này liên tục trong 21 năm, từ khóa III đến khóa VI (1960-1981).
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam vì đây là lần đầu tiên trong 75 năm qua chúng ta có một nữ Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời có một Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là bà Tòng Thị Phóng.
Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tỷ lệ nữ ủy viên thường vụ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội trong 3 khóa gần đây tăng lên. Số đại biểu nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%.
Số nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII. Trong 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có 9 người là nữ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang. Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, số nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.
Với những chủ trương, đường lối đúng đắn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nên trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.
Trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, phụ nữ Việt Nam cũng đạt được sự tiến bộ đáng kể.
Báo cáo thường niên về đề tài “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton International phát hành cho biết: Số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung trên toàn cầu đã đạt 31% dù cho đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới. Grant Thornton là mạng lưới các công ty độc lập cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn giải pháp doanh nghiệp, với trên 56,000 chuyên gia tại hơn 140 quốc gia.
Theo Grant Thornton Việt Nam (công ty thành viên của Grant Thornton International), nước ta đã vượt mức trung bình toàn cầu với 39% vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung do phụ nữ nắm giữ (tăng 6% so với năm 2020). Như vậy, Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) và xếp thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là giám đốc tài chính, chiếm 60% (tăng từ 32% vào năm 2020) đưa Việt Nam đứng vị trí số 1 tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bài cuối: Tăng cường vị thế chính trị của phụ nữ