Bình đẳng giới giúp phụ nữ hạnh phúc hơn

Cùng với sự phát triển của xã hội, việc thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình ở nước ta đã và đang mở ra những cơ hội mới cho người phụ nữ.


Có kiến thức giới, bớt “trọng nam, khinh nữ”


Cách đây 16 năm, chị Bé (ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, Ý Yên, Nam Định) sinh con lần thứ hai, vẫn là gái. Anh không phải con một cũng không phải trưởng nam nhưng rất thích có con trai để nối dõi. Khi biết vợ lại sinh con gái, anh buồn ra mặt. Vào viện, anh không hỏi thăm được lấy một câu, chỉ chăm chắm đến giường bên kia để bế con người khác, xuýt xoa “Đấy, đẻ được thằng cu thế này mới thích chứ!”. Với gia đình nhà chồng cũng “trọng nam” đến mức khi cháu gái thứ 2 của anh chị bước vào tháng thứ 7 rồi mọi người mới thèm sang nhìn mặt cháu... Từ đó, cuộc sống gia đình chị thường cơm không lành, canh không ngọt vì ngoài lo lắng về kinh tế là nỗi buồn, ấm ức, chán nản của vợ chồng dồn lên nhau bởi lý do “vợ không biết đẻ, không có con trai”...


Việc thúc đẩy bình đẳng giới đã và đang mở ra những cơ hội mới cho người phụ nữ. Ảnh: Lê Phú


* Trong y tế, chăm sóc sức khỏe, phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ ngày một tăng. Tỷ lệ tử vong của các bà mẹ liên quan đến thai sản giảm. Từng bước giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý, chăm sóc y tế đã đạt tới 95% vào năm 2010. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phấn đấu tăng 40% vào năm 2015 và lên 50% vào năm 2020 so với năm 2010. Thời gian nghỉ sinh con của phụ nữ đã được kéo dài từ 4 tháng lên 6 tháng...

*Trong giáo dục - đào tạo, tỷ lệ trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số học tiểu học và trung học cơ sở đạt khoảng 80%. Nữ sinh viên hiện chiếm hơn 50% trong các trường đại học, cao đẳng; nữ thủ khoa hiệm chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học. Ðội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm gần 30,53% số người có trình độ thạc sĩ và 17,1% số người có trình độ tiến sĩ...

* Trong lao động và kinh tế, trung bình mỗi năm, đã tạo việc làm cho 1.450.000 người (48% nữ, 52% nam). Gần 800.000 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp (46%) và nghề phi nông nghiệp (54%) theo Ðề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với tỷ lệ nam, nữ tương đương nhau. 20% nữ quản lý và điều hành các doanh nghiệp...

*Trong mục tiêu bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới của Chiến lược quốc gia BĐG giai đoạn 2010- 2020 có chỉ tiêu “Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và 1,5 lần vào năm 2020”.

Nhưng mọi việc đã thay đổi kể từ năm 2008, thông qua UBND, Hội phụ nữ xã, Dự án tuyên truyền về Giới và các vấn đề sức khỏe sinh sản cho các gia đình nông thôn được triển khai tại thôn. Lúc đầu chỉ một mình chị Bé tham gia. Có nội dung nào hay, chị lại mang về nhà kể lại trong bữa ăn. Điều này đã thu hút chồng chị. Khi có cán bộ dự án đến vận động anh cùng tham gia, anh đã đồng ý. Qua các buổi sinh hoạt với các chủ đề về giới, giới tính, BĐG, hệ quả mất cân bằng giới tính khi sinh... bằng hình thức truyền tải sinh động như biểu diễn văn nghệ, đóng kịch, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm... , chồng chị Bé đã thấy “vỡ vạc” ra nhiều. Hiện nay, cả gia đình chị đã có cuộc sống êm ấm hơn. Họ cùng hai cô con gái đều là những thành viên tích cực của dự án tuyên truyền về BĐG của thôn. Chị Bé cho biết: “Giờ đây, mỗi lần có ai đó nói về việc sinh toàn “vịt giời”, anh ấy đã có thể thoải mái về tư tưởng và bảo rằng thời buổi này, trai hay gái thì đâu quan trọng nữa, miễn là các con ngoan, học giỏi”.


Chồng chia sẻ việc nhà


Anh Sơn ở Ấp Bắc (Thanh Bình, Đồng Tháp), trước đó cũng là người mặc nhiên coi mọi việc trong nhà, từ sáng sớm dậy giặt đồ, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, chở con đi học, dạy con học… là của vợ. Còn anh, ngoài giờ đi làm, về nhà, tịnh không động tay động chân vào việc gì. Anh cũng như rất nhiều đàn ông trong xóm từng quan niệm nếu động tay chân vào việc nhà thì rất xấu hổ, không ra dáng đàn ông. Chừng cách đây 5 năm, khi ở thôn có dự án tuyên truyền BĐG và phòng chống thiên tai tại địa phương, sau khi được mời tham gia, có được các kiến thức về giới, gia đình... mỗi khi về nhà thấy vợ nấu ăn, anh Sơn cũng biết phụ cùng. Thậm chí, một ngày kia, người dân trong ấp còn nhìn thấy anh trong hình ảnh người đàn ông mẫu mực khi anh là “ông xã” đầu tiên của ấp biết bê chậu ra sông giặt đồ cho cả gia đình. Từ ngày cùng làm việc nhà với vợ, anh Sơn nhận ra vợ bớt mệt mỏi hơn, sức khỏe chị được cải thiện hơn và vợ chồng lại có thể vui vẻ, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Thậm chí, nhờ chồng chia sẻ việc nhà, vợ anh Sơn lại có nhiều cơ hội hơn để đi học thêm về y tế, tham gia các hội, đoàn thể, từ đó có kiến thức về chăm sóc, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc... Mỗi khi rảnh rỗi, anh Sơn mang câu chuyện gia đình mình ra để kể về BĐG cho các ông bạn nhậu cùng nghe. Anh hy vọng một ngày nào đó, họ cũng sẽ có sự thay đổi nhận thức về giới giống như anh.


Công bằng, cởi mở hơn với phụ nữ đơn thân


Cùng với sự thay đổi trong nhận thức về các vấn đề như “trọng nam, khinh nữ”, “coi việc nội trợ chỉ là việc riêng của phụ nữ” thì ngay cả các vấn đề vốn bị coi là “nhạy cảm giới” liên quan đến phụ nữ trong gia đình như phụ nữ sống độc thân, làm mẹ đơn thân... cũng dần được gia đình và xã hội nhìn nhận một cách công bằng, cởi mở hơn. Thời phong kiến, việc phụ nữ không chồng mà chửa sẽ bị cạo trọc đầu, bôi vôi đuổi ra khỏi làng. Ngay cả thời trước chiến tranh, việc cố gắng để có một đứa con ngoài giá thú là "chưa từng tồn tại" ở Việt Nam. Còn hiện nay, mặc dầu, gia đình hoàn chỉnh vẫn là hạt nhân của xã hội nhưng quan điểm sống về tình yêu, hôn nhân, gia đình đã thay đổi nhiều trong đó có việc phụ nữ có nhu cầu làm mẹ đơn thân đã được pháp luật cho phép, bảo vệ. Xu hướng phụ nữ độc thân, làm mẹ đơn thân cũng không còn xa lạ với người Việt Nam. Đã có hàng loạt những nữ nghệ sĩ nổi tiếng đã có lựa chọn “nuôi con một mình” như ca sĩ Phương Thanh, Hiền Thục, Thái Thuỳ Linh, hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, diễn viên Việt Trinh, Kiều Thanh, Kim Hiền, MC Thùy Minh, người mẫu Thân Thúy Hà, Dương Yến Ngọc... Xã hội đã không còn giữ cái nhìn quá khắt khe với những người mẹ đơn thân này. Thay vào đó là cái nhìn cảm thông, chia sẻ hơn. Còn theo kết quả cuộc điều tra gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Tổng cục thống kê, UNICEF và Viện Gia đình và Giới tiến hành mới đây cho biết, tỷ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số Việt Nam, trong đó chủ yếu là nữ giới với tỷ lệ 87,6% tổng số người độc thân.


Mặc dù trong xã hội vẫn còn không ít những khó khăn thách thức liên quan đến vấn đề BĐG như: Định kiến giới vẫn còn tồn tại đây đó, còn nhiều vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên cơ sở giới, những hiểu biết và nhận thức đúng về BĐG trong xã hội... Song, với những thành tựu đã đạt được về BĐG thời gian qua, trong Hội thảo Công ước xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và BĐG ở Việt Nam vừa diễn ra mới đây (1/2013) do Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức đã khẳng định: Việt Nam hiện là quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển đạt kết quả cao và nhanh về chỉ số phát triển giới và BĐG, qua đó góp phần mang lại nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ so với nhiều nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.


Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Sau 6 năm đi vào cuộc sống, Luật Bình đẳng giới đã tạo cơ hội rất nhiều cho phụ nữ. Riêng trong lĩnh vực chính trị, với những chị em có năng lực, có ý chí phấn đấu, họ cũng đã đạt được những vị trí quan trọng, ngang bằng với nam giới. Hiện nay, có 24/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt trong UBND. Cấp trung ương, có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, là Bí thư Trung ương Ðảng; là Phó Chủ tịch Quốc hội. Có 9/22 bộ có cán bộ nữ là thứ trưởng (Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính). 1/4 cơ quan ngang bộ có cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt (Thanh tra Chính phủ); 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt (Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)...


Thạc sĩ Phạm Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển: “Phụ nữ hiện đại đã có nhiều cơ hội tham gia vào hầu hết các lĩnh vực xã hội. Việc phát triển khoa học công nghệ khiến cho tăng năng suất sản xuất, tăng thu nhập, giải phóng sức lao động trong gia đình, tạo điều kiện cho chị em quản lý, tổ chức các công việc trong gia đình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Phụ nữ được tiếp cận với nhiều thông tin tri thức hơn, đời sống tinh thần và thể chất được nâng cao và có thể phát huy được vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực mà trước đây chưa có điều kiện phát triển… Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại cũng đã được xây dựng là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà” - vừa có tri thức, có sự nghiệp riêng, gánh vác một phần trách nhiệm phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cũng đảm nhiệm chức năng không ai thay thế được đó là tái sản xuất xã hội, sinh con, chăm sóc và nuôi dạy con cái”.


Thu Hiền


 

 

Nghĩ về nét đẹp phụ nữ Việt Nam xưa và nay
Nghĩ về nét đẹp phụ nữ Việt Nam xưa và nay

Ở một đất nước sống dựa vào nền sản xuất nông nghiệp nhưng lắm thiên tai, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam bị nhân lên bội phần. Tần tảo, cần cù, kiên cường, chịu đựng, thủy chung ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN