Ngành công nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam càng phát triển, bã bia sau sản xuất càng nhiều, thì việc chiết xuất những chất hữu ích trong sản xuất thực phẩm chức năng cho người và động vật, càng có nguồn nguyên liệu phong phú.
“Nước ta có nguồn bã men bia khá dồi dào, trước kia sản xuất bia xong thì đổ đi, thành những bãi thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Sau này, bã men bia được dùng làm thức ăn thô cho lợn, tuy nhiên động vật không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn này”, PGS.TS Phạm Việt Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học miền Trung (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết về một trong những khởi đầu của việc “biến” bã men bia thành thực phẩm chức năng.
Gợi ý cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi
Từ thành tế bào của nấm men bia, qua quá trình tách chiết, thủy phân, các nhà khoa học đã thu hồi Beta - glucan có tác dụng tăng cường miễn dịch, kháng khối u, kháng tế bào ung thư. Quá trình thủy phân dịch tế bào khiến protein trở thành axit amin, giúp cơ thể tăng cường sinh lực, tăng cường quá trình trao đổi chất, tạo tế bào mới.
Sử dụng thực phẩm chức năng trong thức ăn chăn nuôi sẽ giúp chăn nuôi gia súc, gia cầm có năng suất cao và hiệu quả kháng bệnh tốt. Ảnh: CTV |
“Đây là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất các thực phẩm chức năng” - TS Phạm Việt Cường” nói. Ông cùng các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH &CN Việt Nam) đã kết hợp một số vi sinh vật với axit amin và Beta - glucan, cho ra đời hai chế phẩm: ImunoFood (là loại thực phẩm chức năng cho người) và NeoPolynut (để bổ sung vào thức ăn cho thủy sản và gia súc gia cầm).
Với tôm nuôi, các kết quả so sánh cho thấy, khi được ăn thực phẩm chứa Beta - glucan, vật nuôi sẽ lớn nhanh hơn. Với các loại gia cầm như gà, ngan, vịt, các loại vật nuôi được ăn thêm Beta - glucan đều lớn nhanh và chất lượng tốt hơn nuôi thông thường.
“Việc chiết xuất các chất có lợi từ nấm men bia để bổ sung cho thực phẩm chức năng là một đóng góp có giá trị cho đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp. Ý nghĩa hơn nữa là việc này tận dụng được nguồn nguyên liệu khá dồi dào trong nước (hầu như địa phương nào cũng có nhà máy bia), nên sẽ giảm rất nhiều giá thành cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, dành cho người và cho thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tôi cũng có chút lưu ý là việc chiết xuất thành dung dịch lỏng thì sẽ giữ được nhiều chất có lợi hơn, bởi khi đóng viên, bên cạnh mặt thuận lợi trong sử dụng, thì quá trình cô đặc, qua nhiệt độ, có thể làm giảm bớt tác dụng tích cực của các vi chất này. Trước kia, chúng tôi cũng đã có lần thử nghiệm trong việc làm thuốc cho Công ty dược phẩm Hà Nội, chất lượng tốt và giá rẻ, nhưng chiết xuất trong các ống thủy tinh rất bất tiện cho người sử dụng”. GS Nguyễn Lân Dũng (Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học Việt Nam) |
Kết quả khảo nghiệm đối chứng trên 2 ao nuôi cá, ao có dùng NeoPolynut thì tăng 12-20% sản lượng. “Nhưng điều quan trọng là sức chịu đựng rét của thủy sản nuôi tăng lên, tôm cá không bị bệnh”, TS Phạm Việt Cường nói. “Ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhiều ao nuôi từng bị chết cá hàng loạt vào đợt lạnh, sau khi dùng NeoPolynut thì đều vượt qua được giai đoạn thời tiết rét đậm miền Bắc”.
Công nghệ chiết xuất và sản xuất thực phẩm chức năng cho chăn nuôi này đã được TS Phạm Việt Cường chuyển giao cho một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, tại Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh, Đà Nẵng). “Chúng tôi chưa đủ điều kiện để vươn tới các địa phương đồng bằng Sông Cửu Long, “thủ phủ” của nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, nhưng vẫn không nguôi ý định đầu tư, chuyển giao tại địa bàn này” - TS Cường nói.
Thực phẩm chức năng cho người
Sản phẩm ImunoFood - thực phẩm chức năng có chứa Beta - glucan, axit amin tự do chiết xuất từ nấm men do TS Cường cùng đồng nghiệp nghiên cứu và sản xuất, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho con người. Sản phẩm này đã được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Hiện tại, NeoPolynut chưa có điều kiện để sản xuất đại trà. Một trong những lý do là đơn vị nghiên cứu của TS Phạm Việt Cường trước đây chủ yếu làm công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nay theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị đã chuyển đổi trở thành công ty cổ phần, dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất chính các sản phẩm sau nghiên cứu. Việc chuyển giao công nghệ tạm dừng lại, để chuẩn bị đầu tư cho sản xuất.
“Thực phẩm chức năng chiết xuất từ bã men bia thực sự có tương lai. Căn cứ để khẳng định điều đó là: Thị trường cần, chất lượng tốt và nguyên vật liệu không thiếu tại Việt Nam” - TS Việt Cường cho biết.
Thùy Hương