Bệnh mùa tựu trường - Ẩn họa rình rập

Từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ đến khám và điều trị tại các bệnh viện ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều gia tăng. Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh hô hấp, tay - chân - miệng, đau mắt, sốt xuất huyết…


Nhiều dịch bệnh cùng gia tăng


Ở cả hai miền Nam, Bắc hiện đều có nhiều dịch bệnh đang song hành, diễn biến khó lường; đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lớn nhất là học sinh. Vì vậy, các địa phương, gia đình và trường học, cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ.


Dự báo từ tháng 9 đến tháng 11 dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp.


Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết: 8 tháng qua, tại TP Hồ Chí Minh có 4.665 trường hợp nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng (TCM), giảm 1.839 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 28,27%), trong đó có 1 người tử vong.


Ngoài ra, cũng có 3.989 trường hợp nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Nhưng riêng trong tháng 8, tại TP Hồ Chí Minh đã có 815 ca nhập viện điều trị bệnh SXH, tăng 226 trường hợp (38,37%) so với tháng trước.


Theo các bác sỹ, thời điểm tháng 9 cũng là đợt “vào mùa” của bệnh đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 chỉ có 1.123 người đến khám, trong khi chỉ mới đầu tháng 9 đã có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm khuẩn, rất dễ lây lan. Tuy là bệnh lành tính và thường gặp, nhưng nếu không điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến biến chứng về giác mạc, giảm thị lực. Đây là mối lo ngại của nhiều gia đình khi con trẻ bước vào mùa tựu trường.


Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận 2.207 ca TCM, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phân bố rải rác ở 421/517 xã, phường của 29 quận, huyện. Tuy số ca TCM giảm nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo, gia đình, nhà trường cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh TCM cho trẻ, nhất là lứa tuổi mẫu giáo, vì đây là một bệnh thường có xu hướng gia tăng trong mùa tựu trường.

Với bệnh SXH, số bệnh nhân mắc SXH tại Thủ đô từ đầu năm đến nay là 716 người, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc có xu hướng gia tăng mạnh. Nếu như ở những tháng trước đó, trung bình mỗi tuần có khoảng 10-30 bệnh nhân mắc bệnh, thì 3 tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận 70 - 90 trường hợp. Các ca bệnh xuất hiện rải rác tại 178 xã, phường trên toàn thành phố, tuy nhiên tập trung đông tại các quận, huyện như Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên…


Chủ động phòng chống dịch trong trường học


Môi trường trong lớp học là điều kiện thuận lợi cho việc lây lan nhanh các bệnh truyền nhiễm như: Đau mắt đỏ, bệnh TCM và các bệnh về đường hô hấp (trong đó có bệnh cúm A/H1N1). Để phòng chống các dịch bệnh trong nhà trường vào đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở phối hợp với ngành y tế, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường học.


Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường học và cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố phải tăng cường công tác vệ sinh môi trường từ đầu năm học 2013 - 2014. Đồng thời, phòng giáo dục các quận, huyện phải phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức tập huấn, truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong học đường, nhất là với các bệnh dịch dễ lây lan như: cúm, TCM, SXH… cho ban giám hiệu, cán bộ y tế các trường cũng như đội ngũ giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non và người chăm sóc nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.


Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tiếp tục giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, không để dịch bệnh bùng phát. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chăm lo tiếp nhận và điều trị, tổ chức tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng ngừa, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh.


Còn tại Hà Nội, ngoài việc triển khai công tác tập huấn về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm y tế trường học, ngành y tế Thủ đô đã chủ động giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học. “Kết quả giám sát của chúng tôi thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được kiện toàn, công tác y tế trường học ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Việc tăng cường vệ sinh môi trường ở trường học, cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nêu trên đã được triển khai chu toàn từ trước khi các cháu nhập trường”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khẳng định.


Liên Phương - Đan Phương (thực hiện)

Cần thực hiện tốt khẩu hiệu “ba sạch”
Cần thực hiện tốt khẩu hiệu “ba sạch”

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các biện pháp phòng chống những bệnh thường gặp trong mùa tựu trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN