Cách đây trên 50 năm, huyện Giồng Trôm đã kết bè bằng cây dừa đánh sập cầu sắt Bình Chánh, cắt đứt giao thông, cô lập bọn địch ở hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri gây kinh hoàng cho đối phương thời “Bến Tre Đồng Khởi chống Mỹ”, chiến tích có một không hai trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Cây cầu sắt gần 150 mét bắc ngang sông Bình Chánh, chi nhánh sông Hàm Luông thuộc hệ Cửu Long nằm trên tỉnh lộ 26, trục giao thông huyết mạch xuyên dọc dãy “Cù lao Bảo” qua các huyện Giồng Trôm - Ba Tri đến tận bờ Biển Đông, là mục tiêu tiến công của huyện Giồng Trôm. Đã có lần Giồng Trôm dùng chiến thuật “hỏa - công”: chất trên chiếc bè chuối hàng vạn miểng gáo dừa, phát hỏa thả bè tấp vào cầu, với mục đích đốt cháy hết ván lót cầu, gây khó cho địch, nhưng lính gác kịp dùng lựu đạn mìn phá bè. Ngay sau đó, bọn giặc cho công binh Sài Gòn xuống đóng hàng cọc bê tông, căng dây cáp chắn đỡ, án ngữ trước cầu.
Ông Nguyễn Văn Thiềm (Mười Thiềm) - người đề xuất kế hoạch và trực tiếp hướng dẫn kết 2 bè dừa khổng lồ phá sập cầu sắt Bình Chánh. |
Đồng chí Tám Thành, nguyên là Huyện ủy viên phụ trách liên xã cánh Đông lộ 26 địa phận Giồng Trôm, chỉ đạo các xã: Bình Hòa, Châu Hòa, Châu Bình, Phong Mỹ, Phong Nẵm phát động quần chúng dâng mưu hiến kế, quyết phá đập cầu Bình Chánh. Trong nhiều hiến kế của dân, đặc biệt ý kiến đề xuất của ông Mười Thiềm được cấp lãnh đạo huyện chấp nhận và trở thành quyết tâm chung của địa phương, cụ thể: Cùng một lúc ta làm hai (2) chiếc bè, mỗi chiếc trên 100 cây dừa, mỗi cây dài 20 thước, nhân con nước “RONG” (tức triều cường) vào rằm tháng 10 âm lịch, khi triều hạ, nước rút nhanh, chảy xiết, đúng lúc đó ta liên tiếp thả hai chiếc bè xuống sông, việc đánh sập cầu, ắt sẽ thành công.
Liền đó, kế hoạch chi tiết được vạch ra, với sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Các địa phương, đơn vị hăng hái nhận chỉ tiêu cụ thể, thi đua phấn đấu chung sức hoàn thành kế hoạch bằng quyết tâm cao.
Các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Mẹ chiến sĩ ở mỗi xã ra sức tuyên truyền, vận động các chủ nhà vườn hiến những cây dừa lão 40 năm tuổi trái ít, quyên góp lương thực, thực phẩm, bánh trái, cơm nước đảm bảo tốt khâu hậu cần. Một số phụ nữ được cử vào các chợ huyện, chợ tỉnh bí mật mua sắt bù lon con tán (phi 20 ly) 5 tấc/cây đủ cơ số theo yêu cầu. Hàng chục thợ mộc được huy động từ các xã đã có mặt tại hiện trường.
Tên thật là Nguyễn Văn Thiềm thường gọi Mười Thiềm - lão nông tri điền đảm nhận nhiệm vụ của một “công trình sư” trực tiếp hướng dẫn thiết kế, thi công hai chiếc bè.
Thượng tuần tháng 9 âm lịch năm ấy, sau khi được lệnh khởi công, cả ấp 4, xã Bình Hòa tưng bừng rộn rịp hoạt động như một công trường. Mỗi ngày có trên 100 nhân công làm việc cật lực trước hết tập trung lực lượng giải quyết mặt bằng: toàn bộ 6 công ruộng (6.000 mét vuông) gần bờ sông được trưng dụng đào sâu 5 tấc (2 lớp xắn đất) tạo mặt bằng rộng thênh thang để tiện việc tập kết vật liệu và dễ dàng lúc hạ thủy những chiếc bè. Trong khi đó, ở mỗi xóm, ấp, các chủ nhà vườn hiến cây dừa tới đâu, thì lực lượng nam - nữ thanh niên chung sức đốn hạ tới đó, sau khi chặt đúng 20 mét/cây xong, lăn xuống mương, rạch theo dòng nước chảy, tới tấp đưa về bãi tập kết. Tại hiện trường, tiếp nhận cây dừa nào, anh em công thợ sắp xếp, khoan lỗ xếp ốc bù lon ghép nối ngay cây đó. Chạy đua với thời gian, ban ngày không đủ, lực lượng thi công lắp ghép tranh thủ làm việc đến khuya. Hàng đêm, bà con đem đèn măng sông đến thắp sáng cả hiện trường góp phần đảm bảo tiến độ. Các mẹ, các chị đưa những gánh cháo, gánh chè đến bồi dưỡng khích lệ anh em công thợ lao động hăng say. Hiện trường sôi động đêm ngày trên địa điểm chỉ cách bót cầu Bình Chánh khoảng 800 mét đường chim bay.
Dây chuyền lao động giữa các công đoạn vận hành nhịp nhàng. Qua hơn một tháng làm việc hết mình, gần 300 cây dừa lão của dân cống hiến đã được kết thành hai chiếc bè khổng lồ, mỗi chiếc choán cả công đất (1.000 mét vuông) lại thêm hàng ngàn cây chuối được neo buộc trên mặt chiếc bè để ngụy trang, vừa giữ độ nổi nhất định như thể hai “đại kình ngư” của thủy thần đang nằm chờ lệnh.
Tờ mờ sáng ngày 17 âm lịch tháng 10 năm ấy, trên 500 người mạnh khỏe chen vai, dàn thành hình chữ U quanh chiếc bè, sẵn sàng ra tay. Để chủ động thả bè - theo ý muốn, ông Mười Thiềm cho cột dây thừng từ chiếc bè nối với cây bần cổ thụ đứng dưới mé sông để sau khi hạ thủy cây bần sẽ giữ chiếc bè lại chờ đến lúc nước ròng chảy xiết, sẽ chặt dây thả bè, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Khi triều hạ, nước vừa rúng ròng, cắm lá cờ đại lên, chiếc bè thứ nhất xong, “Tư lệnh” Tám Thành rút súng lục nổ phát lệnh hạ thủy cả biển người đồng thanh thét vang như sấm dậy đẩy chiếc bè lao xuống sông. Nào ngờ vừa lao xuống nước chiếc bè liền nhổ luôn cả gốc lẫn rễ cây bần to tướng xoáy theo dòng nước cuốn. Lá đại kỳ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh phần phật tung bay trên chiếc bè giữa tiếng tung hô vang dậy! Liền theo đó, chiếc bè thứ hai được hạ thủy. Cự ly giữa chiếc trước chiếc sau khoảng 100 mét. Hai “Đại kình ngư” thoăn thoắt đuổi rượt nhau lao về hướng cầu sắt Bình Chánh.
Tổ du kích được giao nhiệm vụ theo sát bảo vệ hai chiếc bè của đồng chí Bảy Ếch đã tận mắt chứng kiến: “Chiếc bè trước chạm vào hàng cọc bê tông căng dây cáp thì đầu bè ghìm xuống, đuôi bè dựng lên mỗi lúc một cao, nước cứ tràn qua ào ào như thác… chưa đầy mười tiếng đếm, chiếc bè sau lao tới đâm thẳng vào chiếc bè trước, tạo va đập dữ dội, sau tiếng ầm… hàng cọc bê tông căng cáp biến mất. Hai chiếc bè dừa lao thẳng tới cuốn phăng hoàn toàn cầu sắt Bình Chánh một cách “ngọt xớt” như dao cắt - không - còn sót lại dấu tích nào trong nháy mắt. Quả thật: Sức mạnh nhân dân cộng lực đẩy của thủy thần, khiến giặc thù khiếp vía kinh hồn! Giao thông trên tỉnh lộ 26 bị gián đoạn. Bọn địch ở hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri bị cô lập hoàn toàn!”.
Đánh giặc bằng bè dừa là kỳ công chiến tích độc đáo luôn sống động hào hùng trong lòng Đảng bộ - quân - dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, một biểu hiện sinh động cốt cách thế trận chiến tranh nhân dân, chứng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng là đúng đắn và chân lý Bác Hồ kính yêu: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng - do Đảng lãnh đạo; Dễ trăm lần, không dân cũng chịu - khó vạn lần, dân liệu vẫn xong!”.
Bài và ảnh:Vũ Tiến Cường