Bắt ‘xe dù’ bằng camera giám sát

Vấn nạn “xe dù" ngày càng ngang nhiên trên nhiều tuyến đường nội đô, gây ùn tắc giao thông, bất chấp nguy hiểm cho hành khách, cho thấy công tác quản lý các cấp kém hiệu quả. Ngoài việc truy trách nhiệm liên quan, ngành Giao thông vận tải đề xuất lắp camera giám sát để bắt phạt và ngăn chặn xe dù.


Video bến cóc, xe dù do Truyền hình Thông tấn thực hiện
Vì sao xe dù, bến cóc ngang nhiên “hoành hành”

Tại các phố Trần Bình, Nguyễn Hoàng quanh Bến xe Mỹ Đình; Kim Đồng cạnh Bến xe Giáp Bát, Ngọc Hồi trước cổng Bến xe Nước Ngầm, Trần Quang Khải, Trần Khát Chân… văn phòng đại diện của không ít nhà xe khách mọc lên như nấm, kèm theo không ít xe khách gắn mác xe hợp đồng dừng, đỗ, đón khách. Đây chính là những điểm xuất phát của “xe dù, bến cóc”, nhưng hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo các chiến sỹ CSGT Đội 1, 5, 6, 7, 14 chốt trực, tuần tra trên các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Giải Phóng, Ngọc Hồi… nơi có các bến xe khách, mặc dù thường xuyên tuần tra, xử lý, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn xử lý tận gốc phải từ các cơ quan quản lý vận tải, các địa phương và chính quyền cơ sở.

Bến cóc 162B Trần Quang Khải trưng sẵn biển chạy tuyến cố định

12 bến cóc được Phòng CSGT Hà Nội “lật tẩy”: Số 33 Nguyễn Hoàng (Nhà xe Cố Hương); số 66, ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng (Nhà xe Anh Khoa); số 162B Trần Quang Khải (Công ty TNHH Hưng Thành); số 26 Phạm Hùng (Công ty Hưng Long); số 7 Phạm Văn Đồng và 789 Giải Phóng (Công ty TNHH Minh Thành Phát); số 7 Phạm Văn Đồng; số 459 Trần Khát Chân (Nhà xe Camel); số 208 Trần Quang Khải (nhà xe Queen Café); số 1 Thiên Hiền (Nhà xe Nhật Tuấn); bãi rửa xe Thành Đạt, đường Phạm Hùng; điểm dừng xe buýt Cầu Giấy (trên đường Phạm Hùng, ngã ba Phạm Hùng - Trần Quốc Vượng, vành đai 3 trên cao xuống điểm dừng đỗ; phố Trần Quốc Vượng; điểm dừng xe buýt Nguyễn Trãi – Thanh Xuân. Thời gian hoạt động của các bến cóc này từ 7 – 22 giờ hàng ngày.

Qua tìm hiểu, “chiêu trò” của các nhà xe tại các bến cóc là chủ xe, lái xe móc nối với lái xe ôm, cò mồi... theo dõi vị trí, tuyến tuần tra của CSGT để thông báo cho các xe khách khác thay đổi lộ trình, trốn tránh kiểm tra; thuê xe ôm chở khách đến vị trí tập kết riêng gần khu vực các bến xe, qua các vị trí CSGT chốt trực, phát tờ rơi ghi số điện thoại cho hành khách liên lạc, hẹn địa điểm đưa, đón...

Ghi nhận tại các tuyến đường trên, đáng lo ngại là công tác xử lý xe khách vi phạm của CSGT chỉ tập trung vào các hành vi: Dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định... Còn việc xử lý tận gốc xe dù, bến cóc gặp rất nhiều khó khăn, vì có quá nhiều biến tướng của xe khách.

Tinh vi hơn, không ít nhà xe còn “lách luật” bằng cách thay vì bán vé, thì cấp cho hành khách phiếu thu, Voucher du lịch, có đầy đủ hợp đồng và danh sách hành khách, nên việc kiểm tra, xử lý của CSGT càng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, các văn phòng đại diện của các nhà xe tại các tuyến phố trên đều có Giấy phép hoạt động do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp, Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT cấp; một số văn phòng đại diện tại các vị trí không có biển cấm dừng, đỗ hoặc trong các ngõ nhà, khu đô thị. Xe khách của các văn phòng “lấy cớ” đến văn phòng đại diện để lấy hợp đồng, lợi dụng việc dừng, đỗ để đón, trả khách, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra viện dẫn nhiều lí do để vi phạm.

Chưa hết, qua tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt nhà xe khách tuyến Thái Bình - Giáp Bát đang dừng hoạt động tại các Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm với lý do chi phí bến bãi tăng cao, bị nạn xe dù, bến cóc, lấn nốt, dẫn đến ế ẩm. Bình quân mỗi nhà xe này có khoảng 40 đầu xe hoạt động, nhưng đăng ký khách xuất bến thường chỉ được 5 - 10 khách/xe/chuyến. Chưa phân tích sâu lý do dừng hoạt động trong bến, nhưng số xe này nếu hoạt động ngoài bến “trá hình” cũng làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc…

Camera giám sát chống được xe dù?

Mới đây, trên mạng xã hội có đăng tải clip ghi lại cảnh lái xe khách giường nằm của nhà xe Tuấn Hiệp bắt tay sau gáy, dùng chân điều khiển vô lăng trên cao tốc Trung Lương – TP Hồ Chí Minh với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm đe dọa tính mạng hành khách hay tình trạng xe khách chạy trong nội đô, vừa xuất bến đã dừng, đỗ, đón trả khách, lấn làn đường đường vô tội vạ, gây ùn tắc, tai nạn giao thông...

Những hành vi đáng lo ngại này không phải hiếm gặp, tuy nhiên, chỉ được phát hiện nhờ hành khách hoặc người đi đường. Để ngăn chặn kịp thời các hành vi nguy hiểm của lái xe, nhiều chuyên gia doanh nghiệp vận tải cho rằng, cần có quy định bắt buộc lắp camera trên xe khách để giám sát lái xe. Khi đó, những hành vi của lái xe sẽ được truyền về doanh nghiệp, Sở GTVT, CSGT để xử phạt kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, tuy một số doanh nghiệp vận tải hiện nay đã lắp camera giám sát lái xe, nhân viên, nhưng chỉ mang tính cá biệt trong nội bộ doanh nghiệp, là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với lái xe. Quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, thì quy định gắn camera giám sát đối với lái xe cũng phải luật hóa mới thực hiện hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, lợi ích của việc lắp camera giám sát là lái xe biết mình bị giám sát sẽ chuẩn chỉ hơn trong quá trình lái xe. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, việc bị giám sát có gây ức chế đến tâm lý lái xe hay không.

Ở góc độ quản lý, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu lắp đặt camera giám sát, xử lý vi phạm tại các điểm nóng về "bến cóc, xe dù". Theo đó, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trích xuất dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục để phạt nguội vi phạm; đồng thời cho lắp đặt camera tại các tuyến phố thường xuyên có xe khách vi phạm hoặc tập trung nhiều trụ sở văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải, tạo cơ sở xử phạt hành vi đón, trả khách sai quy định, tiến tới xóa bỏ các bến cóc này.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Kiên quyết không để tái diễn 'xe dù, bến cóc'
Kiên quyết không để tái diễn 'xe dù, bến cóc'

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Chỉ thị số 04/2018/CT-BGTVT yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN