Nhiều xe khách đậu trong trạm xăng trên quốc lộ 1A. Ảnh: Anh Đức |
Thực trạng này đã được nêu lên tại buổi đối thoại giữa ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh với đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô do Sở Giao thông vận tải thành phố tổ chức ngày 5/10.
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra giao thông đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, phát hiện các doanh nghiệp vận tải hành khách vi phạm như: Người điều hành hoạt động vận tải không phù hợp theo hồ sơ cung cấp giấy phép, bộ phận theo dõi an toàn giao thông không thực hiện theo kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, điều kiện an toàn giao thông trước khi đưa xe vào vận hành không được sổ sách lưu lại, không theo dõi đôn đốc sửa chữa phương tiện, cập nhật nội dung thiết bị giám sát hành trình, các điểm đỗ xe chưa phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có giải pháp mạnh đối với “xe dù, bến cóc”, không chỉ có sự vào cuộc của Sở Giao thông vận tải mà còn là trách nhiệm của UBND các quận, huyện. Nếu muốn cấm “xe dù, bến cóc” nhất thiết phải mở Ban chuyên trách tiếp nhận thông tin người dân phản ánh để kiểm tra, xử lý; đồng thời phải bố trí chỗ dừng đỗ cho người đi xe theo tuyến cố định ở những khu vực cách xa bến xe liên tỉnh.
Đại diện Hợp tác xã Xe khách liên tỉnh và du lịch Đông Bắc (hoạt động tại bến xe miền Đông) cho rằng, “xe dù, bến cóc” và việc di dời bến xe miền Đông mới (từ quận Bình Thạnh đến quận 9) khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, có chuyến xuất bến chỉ được 3 - 4 khách do khách không vào bến. Đây cũng là nguyên nhân gây kẹt xe khu vực nội đô. Do vậy, thành phố cần cấm xe 9 chỗ vào nội thành đón khách.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc bến xe miền Đông thông tin, trong thời gian di dời, bến xe miền Đông vẫn giữ lại một số diện tích phục vụ các tuyến đi Tây Nguyên. Thời gian đầu, bến xe vẫn mở 2 tuyến xe buýt miễn phí và mở một số tuyến xe trung chuyển vận tải hành khách từ trung tâm thành phố ra Bến xe miền Đông mới.
Còn theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, trước tình hình xe khách kinh doanh vận tải hành khách trá hình trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra và chấn chỉnh. Tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn thành phố có 81 điểm có hoạt động đón trả khách gồm: 63 điểm đón trả khách trên đường trước trụ sở doanh nghiệp và 18 điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt - Công an thành phố, Công an các quận, huyện lập kế hoạch kiểm tra xử lý các điểm đón, trả khách không đảm bảo an toàn giao thông; lắp đặt các biển báo cấm dừng, đỗ, biển báo cấm xe khách lưu thông đối với các khu vực, tuyến đường có các điểm hoạt động chưa đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời công bố các điểm dừng, đón trả khách đối với các tuyến cố định. Mặt khác, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất hành lang hạn chế lưu thông đối với xe kinh doanh vận tải vào khu vực nội thành (trừ xe vận chuyển khách du lịch, du lịch lữ hành theo quy định của pháp luật).
Tại hội nghị, các doanh nghiệp vận tải đề nghị Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của thành phố sớm có giải pháp xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” nhằm đảm bảo sự công bằng, trong đó nhất thiết phải có Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách vấn đề đô thị chịu trách nhiệm chỉ huy chính cũng như kiểm tra lại việc thu phí, thủ tục ra vào của các bến xe liên tỉnh đang gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải xây dựng các trạm dừng, đỗ xe cho các tuyến xe khách cố định để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.