Mới đây vào tối ngày 25/9, thanh niên chạy xe máy SH lưu trên làn xe ô tô xa lộ Hà Nội hướng từ cầu Sài Gòn về ngã tư Thủ Đức, khi gần đến trạm thu phí (thuộc phường Phước Long A, quận 9, TP Hồ Chí Minh) thì đâm vào đuôi xe container đang dừng phía trước. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vì vết thương quá nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin Tức, trên các tuyến đường như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hầu hết những tuyến đường này đều có đặt biển cấm xe 2 và 3 bánh lưu thông vào làn đường dành riêng cho ô tô theo khung giờ quy định từ 9 – 16 giờ chiều và từ 20 giờ – 6 giờ sáng. Tuy nhiên, nhiều người điều khiển xe máy vẫn ngang nhiên lưu thông vào làn xe ô tô trong khung giờ cấm, bất chấp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Đặc biệt là tuyến đường quốc lộ 1A qua địa bàn quận Bình Tân, quận 12 và tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Thủ Đức), Trường Chinh (quận Tân Bình) rất nhiều xe máy vô tư lưu thông vào làn xe ô tô trong khung giờ cấm.
Theo chân tổ chuyên đề Đội CSGT An Sương tuần tra, kiểm soát về tình hình xe máy lưu thông vào làn đường cấm trên quốc lộ 1A vào một buổi sáng tại khu vực quốc lộ 1A đoạn giao với đường M1 (quận Bình Tân) hướng về ngã tư An Sương, mặc dù phía trước đoạn giao lộ trên đã có biển cấm xe 2 và 3 bánh lưu thông vào làn đường dành riêng cho ô tô, tuy nhiên, hàng loạt phương tiện xe máy đều phất lờ, cố tình lưu thông vào làn xe ô tô bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp xe gắn máy khi phát hiện lực lượng CSGT đang làm việc phía trước đã quay ngoắt lại ngay phía trước đầu xe ô tô đang lưu thông. Một số người thì điều khiển xe nấp sau các phương tiện ô tô để qua mặt cơ quan chức năng. Rất nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt khi đi vào làn đường cấm.
“Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường quy định sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông” Trung tá Lê Văn Hải, Phó đội trưởng Đội CSGT An Sương cho biết.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố vừa qua một số khu vực và tuyến đường đã thực hiện lắp dải phân cách cứng và mềm để phân biệt làn giữa làn xe gắn máy và làn ô tô như tuyến: Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, quốc lộ 1A… một số khu vực vào giờ cao điểm phương tiện đông, nhiều xe 2 bánh gắn máy lưu thông vào làn ô tô. Đây là một hành vi hết sức nguy hiểm và trong thời qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Do đó, Phòng đã quán triệt đến cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là những đơn vị trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn phải thực hiện công tác tuyên truyền dán các ba nô và tuyên truyền cho người dân về việc lưu thông như thế là vi phạm và ngây hậu quả nghiêm trọng, đề nghị người dân phải chấp hành…
Theo lãnh đạo phòng CSGT đường bộ - đường sắt, trong 9 tháng đầu năm 2019 toàn thành phố xảy ra 506 vụ tai nạn từ ít nghiêm trọng trở lên (giảm 57 vụ), làm 464 người chết (giảm 59 người chết), làm bị thương 117 người (giảm 28 người bị thương) so với số cùng thời điểm năm 2018.