Thu gom, vận chuyển rác thải tại Hà Nội không phải là câu chuyện có thể giải quyết ngay ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là bài toán có lời giải, khi có sự chung tay của cả người dân cũng như đơn vị làm nhiệm vụ và cơ quan quản lý.
Đồng thuận từ người dân
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những bất cập trong vấn đề thu gom, tập kết rác thải hiện nay tại Hà Nội không phải là không có lời giải. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này rất cần sự đồng thuận của người dân, cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện. Phường Thành Công (Ba Đình) là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt vấn đề này.
Với đặc điểm nhiều khu tập thể và chợ với lượng rác hàng ngày là khá lớn, thế nhưng hiện nay vấn đề rác thải, điểm tập kết, thu gom tại phường Thành Công nhận được sự đồng tình của đa số người dân. Ông Bùi Ngọc Ngôn, cán bộ quản lý môi trường phường Thành Công cho biết, tất cả các điểm tập kết, thu gom rác ở phường đều có sự thống nhất của người dân. Theo đó, các đại diện tổ dân phố khu dân cư tham gia cùng các đại diện của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc... sẽ họp mặt và chọn địa điểm tập kết, thu gom nào phù hợp nhất với tình hình trên địa bàn. Quyết định cuối cùng sẽ lấy theo ý kiến đồng thuận của đa số người dân.
Bên cạnh đó, phường cho phép tổ dân phố, khu dân cư có cơ chế phạt nếu người dân vi phạm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ dân phố - UBND phương – Đơn vị thu gom. “Khi có thùng rác bị bục, thu gom chưa sạch, tổ dân phố sẽ có ý kiến lên phường để phường chỉ đạo tổ môi trường thực hiện. Cùng với đó, tổ môi trường cũng phản ánh lại với tổ dân phố khi có người dân nào vi phạm để báo cáo phường có biện pháp xử lý. Do đó ý thức người dân cũng cao hơn, việc thực hiện của đơn vị môi trường cũng được giám sát nên tốt hơn”, ông Ngôn cho biết.
Thừa nhận những bất cập và hạn chế trong quá trình thu gom và vận chuyển rác tại Hà Nội hiện nay, ông Đào Đức Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình cho biết, để khắc phục những bất cập trong thu gom, tập kết rác, công ty phối hợp với UBND các phường, rà soát lại toàn bộ các điểm tập kết trên địa bàn, xóa bỏ các điểm gây ảnh hưởng nhiều đến giao thông hoặc di chuyển nhiều đến các điểm phù hợp hơn. Những điểm tập kết sẽ được lấy ý kiến của đa số người dân trên địa bàn để tạo sự đồng thuận cao nhất. Bên cạnh đó, yêu cầu công nhân không tập kết nhiều dụng cụ tại các điểm tập kết, phân tán cái công cụ tại xung quang các điểm tập kết, đợi ô tô đến điểm tập kết mới đẩy xe gom rác ra. Ngoài ra, các điểm tập kết sẽ được rửa dọn trước và sau khi rác tập kết để tránh bức xúc trong người dân.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, thời gian thực hiện thu rác nhà dân tập trung chủ yếu là 17 giờ 30- 21 giờ hàng ngày. Tại một số địa bàn các đơn vị duy trì có thống nhất thời gian thu gom cụ thể trên từng phường với UBND chính quyền địa phương, tổ dân phố. Để đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các hộ dân khu vực.
Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ
Ông Đào Đức Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình cho biết, công ty đang thực hiện cải tiến quy trình công nghệ theo hướng giảm thiểu công cụ và dụng cụ vào ban ngày, hạn chế đến mức tối đa thu gom rác vào giờ cao điểm. Cùng với đó sẽ xây dựng điểm trung chuyển, để rác thu gom đến đâu sẽ vận chuyển đến đó, không để rác tồn tại các điểm thu gom. Ngoài ra, tiến tới thu rác kín và sử dụng công nghệ đốt của nhiệt, tăng cường phương tiện rửa đường, hè đường và phương tiện trước, trong và sau giờ tập kết.
Theo Quyết định 609/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, dự báo khối lượng chất thải rắn được thu gom, vận chuyển đến trạm trung chuyển có hạ tầng kỹ thuật phục vụ TP Hà Nội khoảng 6.700 - 10.200 tấn/ngày và dự kiến bố trí 5 trạm trung chuyển tại Thanh Lâm (Mê Linh); Tây Mỗ (Nam Từ Liêm); Thanh Oai (Thanh Trì); Quốc Oai (huyện Quốc Oai); Chúc Sơn (Chương Mỹ). |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Trà, trưởng phòng Quản lý hạ tầng Môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc thực hiện thu rác tại 4 quận nội thành được Sở Xây dựng giao Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác thu gom rác tại 4 quận trên. Các quận nội thành còn lại và thị xã Sơn Tây, Sở Xây dựng giao thanh tra xây dựng phối hợp UBND các phường xử lý các vi phạm. Bên cạnh mức xử lý theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP, nếu đơn vị nào thực hiện không tốt quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác; chậm khắc phục sau khi đã được nhắc nhở, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND Thành phố ngừng hợp đồng, chuyển cho đơn vị khác thực hiện.
Về lâu dài, Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường nghiên cứu ứng dụng thu gom rác bằng xe cơ giới để giảm bớt xe thu gom thủ công và sẽ tiếp tục giao Công ty môi trường đô thị Hà Nội và Công ty CPDV môi trường Thăng Long nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị thu gom rác bằng xe cơ giới từng bước thay thế xe thu gom rác thủ công ở các địa bàn phù hợp. Hiện công ty Môi trường Thăng Long đang thí điểm thu gom rác bằng cơ giới tại quận Hoàng Mai và đã có những tín hiệu tốt.
Hà Nội cũng sẽ thực hiện giảm thiểu tối đa các điểm tập kết, thu gom rác; đối với các điểm buộc phải để tồn tại phải đảm bảo thời gian tập kết, thu gom rác ngắn nhất và ít gây ảnh hưởng nhất đối với giao thông và người dân trong khu vực.