Không để dân “chạy theo” xe rác
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, công ty đã sắp xếp thời gian thu gom và tập kết thành 3 đợt. Vào ban ngày, thu gom đợt 1 từ 4 giờ 30 - 5 giờ 30 sáng, đợt 2 từ 8 giờ - 9 giờ 30 sáng, đợt 3 là 13 - 14 giờ 30. Vào ban đêm chia làm 2 đợt, từ 19 giờ - 20 giờ 30 và từ 22 giờ 30 - 23 giờ 30. Ông Đào Đức Khánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình cho biết: “Công ty hạn chế đến mức tối đa thu gom rác vào giờ cao điểm, không sử dụng xe gom, không thu gom rác hộ dân mà chỉ thu rác hè phố vào ban ngày còn rác hộ dân thu gom từ 19 giờ đến 22 giờ”.
Nhiều điểm tập trung rác còn bất cập. |
Tuy nhiên, thực tế triển khai thì lại khác. Mới hơn 4 giờ chiều, ngõ 444 Thụy Khuê đã inh ỏi tiếng kẻng báo thu gom rác của công nhân vệ sinh môi trường. Đến khoảng hơn 5 giờ, chiếc xe rác đã đầy quá miệng, được gán thêm 4 thanh cao chừng 2 m, do 2 công nhân ì ạch đẩy vào ngõ. Chiếc xe rác chiếm 2/3 diện tích của ngõ, trong khi một công nhân đứng dưới nhận rác từ các hộ dân, công nhân còn lại phải một chân đứng trên miệng thùng, một chân bám vào tường để lèn rác, người đi đường phải tìm cách lách qua, thậm chí phải đi... ngay dưới chân công nhân vệ sinh. Chị Thu Hà (Ngõ 444 Thụy Khuê) cho biết, công nhân vệ sinh thu gom rác quá sớm, trong khi đến gần 7 giờ tối nhà chị mới có người về. Vì vậy, đến tối chị lại phải chở rác ra khu vực tập kết ở đầu đường Thụy Khuê, cách nhà một đoạn khá xa. “Nhiều khi về muộn, việc nọ việc kia, tôi phải để rác trong nhà 1- 2 ngày, khiến rất mất vệ sinh”, chị Hà cho biết.
Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều khu dân cư khác tại Hà Nội như Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Anh Thành Trung (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, dù khu vực nhà anh tiến hành thu gom rác hai lần trong ngày vào cả buổi sáng và chiều nhưng thời gian thu gom rác lại chưa thực sự hợp lý. Buổi sáng, tầm 9 giờ công nhân vệ sinh đi thu gom rác nhưng thời điểm này, hầu hết các gia đình đều đi học, đi làm cả. Buổi chiều từ 5 giờ - 5 giờ 30, là thu gom lần 2, nhưng thời điểm này gia đình anh chị cũng như nhiều nhà khác trong khu cũng chưa đi làm về.
Cũng từ thực tế thời gian thu gom rác chưa hợp lý này đã khiến ở không ít khu dân cư, cảnh người dân vứt rác bừa bãi xuống đường, hình thành các bãi rác “tự phát” lớn, nhỏ tại các khu đất trống, kể cả trong một số khu đô thị... gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan vẫn diễn ra.
Tránh vận chuyển rác vào giờ cao điểm
Quy định số 06/2013-QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND thành phố Hà Nội, quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nêu rõ: “Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe thu gom rác đẩy tay (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất): Chỉ được phép hoạt động trên các đường phố từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”. Thế nhưng tình trạng các xe thu gom rác đang hoạt động trong những giờ cấm vẫn diễn ra. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn cản trở việc đi lại của người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Ông Nguyễn Nguyên Trà, trưởng phòng Quản lý hạ tầng Môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội): Vẫn còn một số điểm tập kết rác tại địa bàn các quận chưa được bố trí hợp lý do nhiều nguyên nhân khác nhau như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; điều kiện hạ tầng giao thông quá chật hẹp trong khi lượng rác phát sinh tăng đặc biệt tại khu đông dân; vẫn còn một số đơn vị duy trì thu gom chưa đúng giờ và ý thức, thói quen của người dân bỏ rác nhưng không phân loại rác, không bỏ rác vào túi kín… |
Ở không ít tuyến phố, cứ vào khoảng năm, sáu giờ chiều là hàng chục xe chở rác chất đầy ú, cao ngất ngư nối đuôi nhau án ngữ dưới lòng đường. Vào giờ cao điểm, khi có xe chở rác tới thu gom thì cả tuyến đường trở thành nơi tập trung của rác, việc lái xe qua đây trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Đơn cử như đường Khâm Thiên vốn nhỏ, hẹp mà lượng xe cộ lưu thông rất đông vào giờ cao điểm nên thường xuyên bị ùn tắc. Thế nhưng mới tầm 6 - 7 giờ tối, các xe thu gom rác đã dàn hàng ngay dưới lòng đường, bốc mùi hôi thối. Chiếc xe tải thu gom rác chiếm tới 1/3 lòng đường, nhiều người đi bộ phải đi vòng ra giữa đường để đi qua điểm tập kết rác, điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.
Tương tự, trên đường Dương Quảng Hàm, điểm tập kết rác với những xe chở đầy rác lấn đường, khiến người dân bức xúc. Anh Minh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Ngày nào tôi cũng phải đi làm về qua đoạn này, đoạn đường chỉ dài chừng chục mét nhưng phải mất 10 - 15 phút mới qua được, nhất là vào giờ tan tầm. Cũng không ít lần có người bị ngã khi xe vượt nhau mà vướng phải xe rác”.
Cùng với đó, không ít điểm tập kết rác lại được đặt tại trường học, khu vui chơi, thậm chí là điểm lên xuống của điểm xe buýt. Bà Lê Thị Nga (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bà thường xuyên đứng đợi xe buýt trên đường Khâm Thiên và tại điểm chờ xe buýt này, bà cũng như nhiều người chờ xe buýt khác, phải vừa đứng chờ xe, vừa bịt mũi vì mùi rác bốc lên hôi thối. “Chưa kể đến việc xe rác đứng án ngữ nên xe buýt phải đỗ sau hoặc trước trạm dừng đỗ, khiến chúng tôi phải chạy theo rất vất vả”, bà Nga cho biết.
Thực tế, đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16 giờ 20 ngày 22/2/2015, chiếc xe chở rác đang lưu thông trên đường đê Nguyễn Khoái xuống dốc Đoàn Kết (phường Vĩnh Hưng - Hoàng Mai - Hà Nội), bất ngờ đâm vào các phương tiện phía trước và chỉ dừng lại khi đâm vào một xưởng sửa chữa ô tô ven đường. Vụ tai nạn làm 6 người bị thương nặng. Hay vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 3/5 tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh giao với phố Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), chiếc xe chở rác mất phanh đâm vào xe khách đang dừng đèn đỏ… Đại diện Đội cảnh sát giao thông số 1 (Công an TP Hà Nội) cho biết, đội đã lập biên bản và xử lý khá nhiều trường hợp xe chở rác hoạt động vi phạm giờ quy định.
Bài cuối: Đầu tư về cả ý thức lẫn hạ tầng