Trọng tâm rét hại tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) nhận định, đây là đợt không khí lạnh tăng cường rất mạnh. Lần đầu tiên, trung tâm đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện tuyết vào ngày 8-9/1 ở vùng núi phía Bắc, tập trung tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.
Không khí lạnh lần này sẽ gây ra đợt rét đậm, rét hại lần thứ 3 cho các tỉnh miền núi phía Bắc và đây có thể là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Đây là đợt rét ẩm tức độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch rất ít (từ 1-3 độ C) khiến cảm giác rét buốt gia tăng. Đợt rét này kéo dài đến ngày 11/1, sau đó tình trạng rét vẫn còn nhưng không khí chuyển khô hơn.
Dự báo, sáng 7/1 không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía Bắc, chiều sẽ ảnh hưởng đến trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đến đêm sẽ ảnh hưởng đến Bắc miền Trung. Ngày 8/1, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Trung Bộ và có khả năng tác động yếu đến Tây Nguyên và Nam Bộ. Các tỉnh Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm từ ngày 9/1.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một số biện pháp đã được các trường học áp dụng hiệu quả như đóng cửa sổ, cửa chính tránh gió lùa vào lớp. Các hoạt động trước đây tổ chức ngoài trời sẽ thực hiện trong lớp. Học sinh được giáo viên hướng dẫn các động tác thể dục hoặc chơi vận động làm ấm cơ thể trước khi vào học; bố trí thêm thiết bị sưởi ấm, nước ấm cho học sinh; dặn dò phụ huynh mặc đủ ấm cho con em; tăng khẩu phần, chế độ ăn hợp lý. Nhà trường chuẩn bị chỗ nghỉ trưa ấm áp, đảm bảo cơ số thuốc cho y tế học đường; tuyên truyền phòng chống rét cho học sinh khi ở nhà và ở trường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng chống rét cho bản thân và gia đình nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa. Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, xương khớp, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng. Người cao tuổi tránh nhiệt độ thay đổi đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh vì nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Hiện nay, người dân miền núi đang chủ yếu chăn nuôi theo các hình thức kiên cố, bán kiên cố và nuôi thả. Khi nhiệt độ giảm thấp sẽ gia tăng độ lạnh dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt, viêm phổi, cước... ở gia súc. Bởi vậy, người dân cần kiểm tra, gia cố chuồng trại, đặc biệt là phía gió lùa; di chuyển, tập trung đàn gia súc bằng cách xem xét hướng di chuyển đến các hộ liền kề có kiên cố hoặc các khu vực có thể che chắn bằng bạt, chiếu, bao tải, rơm rạ... Người dân cũng nên tích cực kiểm tra sức khỏe gia súc, bổ sung muối, thức ăn tinh trong khẩu phần, đặc biệt lưu ý bệnh hô hấp, cước. Về lâu dài, các biện pháp tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố, có kế hoạch tích trữ thức ăn hoặc kế hoạch sản xuất theo thông tin dự báo sớm.