Nhiều tiếp viên của Viennam Airlines, Vietjet sau những chuyến bay đều chia sẻ, không ít hành khách cố tình bắt họ phải chờ đợi quá lâu để lựa chọn đồ uống, cố tình đeo tai nghe trong khi gọi phục vụ hoặc vứt rác bừa bãi, không chấp hành các quy định bắt buộc khi máy bay cất cánh như: Thắt đai an toàn, tắt thiết bị di động… “Khi bạn yêu cầu một tách cà phê hay trà, sữa, hãy nói rõ sở thích của mình, thông tin với tiếp viên một cách rõ ràng, cụ thể, nhằm giúp tiếp viên có thời gian phục vụ bạn và các hành khách khác nhanh chóng… Đó là những cử chỉ tối thiểu, nhưng nhiều hành khách không thực hiện được. Chưa kể, nhiều hành khách lên tàu bay trong tình trạng say xỉn, có những hành vi khiếm nhã với tiếp viên…”, một nữ tiếp viên Vietjet cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Bích Hà, nguyên Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines cho biết, nghề tiếp viên hàng không không hề nhàn hạ, êm đẹp như vẻ bề ngoài, mà liên tục phải đối mặt với những áp lực, trên từng chuyến bay. “Cuộc sống của tổ bay và tiếp viên khác rất nhiều với cuộc sống của mọi người. Các tiếp viên hàng không ngày nào cũng làm việc từ 12 - 14 tiếng, những giờ cuối của ngày làm việc là mệt đến mức chẳng muốn đi lại, nhưng vẫn phải đảm bảo phục vụ khách chu đáo. Sau nhiều giờ bay, tiếp viên nào cũng thiếu ngủ và thèm ngủ trầm trọng...”, chị Hà nói.
Sau những nụ cười, mỗi tiếp viên hàng không luôn phải chấp hành và hướng dẫn hành khách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn hàng không. |
Áp lực là vậy, nhưng nhiều tiếp viên hàng không vẫn thường xuyên phải đối diện với những hành động khiếm nhã, thiếu văn hóa của không ít hành khách. Sau vụ tiếp viên Vietnam Airlines trên chuyến bay VN255 ngày 13/8 mới đây từ Hà Nội -TP Hồ Chí Minh bị hành khách tát do hiểu lầm đã gây sốc cho bản thân tiếp viên. Mặc dù hành khách này cũng đã bị Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm bay 6 tháng sau đó và bị phạt 15 triệu đồng, song sự việc này được đoàn tiếp viên Vietnam Airlines coi là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần tiếp viên khi làm nhiệm vụ. Sự việc này cũng đã cảnh báo tới các cơ quan hữu quan cần bổ sung những quy định cụ thể, đặc biệt để bảo vệ và hỗ trợ tiếp viên hàng không trên mỗi chuyến bay nói riêng và nghề tiếp viên hàng không nói chung.
Theo quy định về đảm bảo an toàn bay của các hãng hàng không, trong trường hợp hành khách có hành vi đánh tiếp viên trên chuyến bay, tiếp viên trưởng báo cáo ngay cơ trưởng sự việc và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng về hành vi vi phạm của hành khách. Nếu hành khách vi phạm tiếp tục hành vi gây rối, tiếp viên có thể cử một tiếp viên trực tiếp tiếp xúc với khách để kiềm chế hành vi gây rối của khách hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ khác để khống chế khách gây rối.
Trở lại vụ nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị hành khách tát nêu trên, luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định hành khách có hành vi hành hung tổ bay trên máy bay có thể bị phạt đến 20 triệu đồng và Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP quy định hành khách trong trường hợp này bị cấm vận chuyển từ 3 - 12 tháng. Với mức xử phạt nêu trên, vẫn chưa đủ sức răn đe người vi phạm mà phải phạt mức tối đa và buộc hành khách phải xin lỗi. Theo ông Bình, hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến ngành hàng không và nghề tiếp viên hàng không chưa có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại tinh thần. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định này vào luật định, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tiếp viên hàng không đang làm nhiệm vụ.
Đại diện truyền thông của Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific đều có chung nhận định, để có ngành hàng không văn minh và hội nhập phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của hành khách. Cơ hội đi lại bằng máy bay hiện nay đã ngày càng trở nên gần gũi với mọi người dân, vì vậy, việc tuân thủ các quy định về an toàn hàng không, ứng xử có văn hóa nơi công cộng càng trở nên quan trọng với hành khách.