Báo động tình trạng trẻ béo phì

Báo cáo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2010 cho thấy, một phần ba số trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6% và đang có xu hướng gia tăng.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt mức giảm suy dinh dưỡng trẻ em gần với mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân, Việt Nam vẫn phải đương đầu với những thách thức lớn về dinh dưỡng. Báo cáo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2010 cho thấy một phần ba trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới năm tuổi là 5,6% và đang có xu hướng gia tăng.

* Tỷ lệ thừa cân béo phì tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi

Theo nhận định của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì gần như tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, đó là một điều rất đáng báo động. Suy dinh dưỡng hay béo phì đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng của trẻ, nhưng với béo phì, hệ lụy về bệnh tật kéo theo rất nhiều về sau này.

Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi giảm mạnh, tính chung cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/ tuổi), trong đó SDD vừa (độ I) là 15,4%, SDD nặng (độ II) là 1,8% và SDD rất nặng (độ III) là 0,3%. 20/63 tỉnh, thành có mức SDD trẻ em trên 20%, xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Báo cáo cũng chỉ rõ: Đến năm 2010 vẫn còn 28 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ trên 35%. Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu. Phân bố suy dinh dưỡng không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi là 5,6%, trong đó thành phố chiếm 5,7% và nông thôn là 4,2%. Tỷ lệ này đạt tới 12% đến 15% tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều đáng nói tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới năm tuổi hiện cao hơn sáu lần.



Bác sĩ tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ tại TP HCM. Ảnh: Phương Vy - TTXVN



* Tập trung 6 mục tiêu can thiệp dinh dưỡng sớm


PGS.TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Giảm suy dinh dưỡng thấp còi khó hơn rất nhiều so với giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Để giảm suy dinh dưỡng thấp còi và nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam đòi hỏi đầu tư, can thiệp đặc hiệu hơn. Trong giai đoạn tới song song với việc thực hiện các giải pháp, chương trình dự án nhằm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện thiếu vi chất dinh dưỡng, cần phải quan tâm đến các giải pháp khống chế gia tăng béo phì, góp phần hạn chết các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

TS Lê Thị Hợp cũng khẳng định: Sắp tới, trong chiến lược cũng có định hướng tiếp tục triển khai các hoạt động dinh dưỡng như truyền thông báo chí, giáo dục dinh dưỡng trên phạm vi toàn quốc. Quãng thời gian từ khi trong bụng mẹ đến hai tuổi là giai đoạn cửa sổ quan trọng bậc nhất để có các can thiệp phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi cũng như phòng tránh các ảnh hưởng khác của nó. Chính vì vậy, Chương trình can thiệp dinh dưỡng sẽ tập trung một số can thiệp đặc hiệu như bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và tăng cường dinh dưỡng sớm cho phụ nữ trước khi mang thai, cho phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và chú trọng đến những vùng có suy dinh dưỡng thấp còi cao. Tuy nhiên những biện pháp can thiệp dinh dưỡng giai đoạn tới khác với giai đoạn trước là: tập trung vào can thiệp dinh dưỡng giai đoạn sớm, dinh dưỡng cho những em từ độ tuổi học sinh để giúp các em có tình trạng dinh dưỡng tốt, không bị thiếu vi chất dinh dưỡng khi bước vào hôn nhân và làm mẹ. Đây là biện pháp hiệu quả để thai nhi phát triển tốt, chống suy dinh dưỡng. Đặc biệt can thiệp dinh dưỡng sớm tác động nhiều đến suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn năm 2030 khẳng định nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân. Chiến lược Quốc gia tập trung vào 6 mục tiêu là: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng; từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành; nâng cao hiểu biết, tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Thu Phương
Mẹ học vấn cao, con ít bị suy dinh dưỡng
Mẹ học vấn cao, con ít bị suy dinh dưỡng

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi theo tuổi chung của trẻ em dưới 5 tuổi là 35,4% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 21,3%; tỷ lệ này có xu hướng giảm dần khi trình độ học vấn của mẹ, người chăm sóc trẻ tăng và tăng dần theo số con của mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN