Đây là khẳng định của Giám đốc Cơ quan quản lý các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đỗ Quang Tùng, tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí chiều 11/10, tại Hà Nội. Cơ quan này cũng đã cung cấp thông tin về tình hình quản lý, buôn bán, sử dụng mẫu vật Tê giác tại Việt Nam hiện nay.
Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam Đỗ Quang Tùng cho biết: Tháng 9/2013, Tổ chức TRAFFIC/WWF đã công bố Báo cáo về Nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng Tê giác tại Việt Nam, do Tổ chức TRAFFIC phối hợp với Ipsos Marketing thực hiện, kèm theo đó là bản giới thiệu tóm tắt với tiêu đề “Người tiêu dùng Tê giác, họ là ai?”.
Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và sự hợp tác của tổ chức TRAFFIC trong thời gian qua đối với công tác bảo tồn, bảo vệ các loài hoang dã. Trong đó có Nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng Tê giác tại Việt Nam . Bản báo cáo đã được xây dựng một cách công phu và đưa ra một số thông tin liên quan đến nhóm người tiêu dùng sừng Tê giác tại Việt Nam. Tuy vậy, bản báo cáo đã đưa ra một số thông tin chưa chính xác và nhận định thiếu khách quan, cũng như phương pháp thực hiện không toàn diện và thông tin được công bố không rõ ràng, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực thực thi của các cơ quan chức năng và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể là mục tiêu của nghiên cứu về đánh giá nhận thức, cách thức sử dụng và thái độ của người Việt Nam nói chung về sừng Tê giác. Nhưng số lượng mẫu chỉ có 749 mẫu ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trong số 40 người phỏng vấn sâu đều chọn những người có liên quan tới sừng Tê giác, gồm 10 người đã mua, 10 người sử dụng, 10 người không sử dụng nhưng biết về sừng Tê giác và 10 bác sĩ đông y. Phỏng vấn trực tiếp 709 người thì chọn ra trước 109 người đã mua và sử dụng, còn lại 600 người phỏng vấn ngẫu nhiên.
Như vậy, nghiên cứu này không thể đại diện cho người Việt Nam, cũng như không phản ánh đúng và khách quan về số người sử dụng sừng Tê giác trên tổng dân số. Vì trước khi phỏng vấn, đã lựa chọn ra tới 20% số người đã sử dụng hoặc mua sừng Tê giác.
Bảng câu hỏi được thiết kế dài gần 30 trang đều thiếu căn cứ khoa học, chủ yếu tập trung vào các câu hỏi xoay quanh việc sử dụng, mua bán sừng Tê giác, không xét đến khía cạnh tâm lý của người Việt Nam để đánh giá chính xác được đối tượng. Do vậy, kết quả đưa ra không phản ảnh được chính xác nhận thức và thái độ thực sự của người được hỏi, mà ra kết quả chủ quan của người hỏi mà thôi.
Mặt khác, nghiên cứu mang tính xã hội, nhưng lại do tổ chức Ipsos Marketing chuyên về xác định marketing, thị trường và kinh doanh thực hiện. TOR của nghiên cứu được xây dựng theo ý kiến chủ quan của WWF/TRAFFIC, không có sự tham gia hoặc góp ý của các bên có liên quan. Đặc biệt là thiếu sự tham vấn của các cơ quan của Chính phủ Việt Nam quản lý về lĩnh vực này.
Văn Hào